Chi tiết chế độ nhảy dây của Mi Band 6

Saturday, June 26, 2021
Edit this post


Mi band là một thiết bị vòng đeo tay theo dõi sức khỏe. Ban đầu nó chỉ có tác dụng xem giờ, nhận thông báo và đếm bước chân nhưng theo thời gian nó đã dần được cập nhật để trở đẹp hơn, thông minh hơn, hữu dụng hơn. Tôi đã gắn bó với Mi band qua các dòng Mi band 2, 3, 4. Tới đời 5 thì tôi quyết định không đổi dù Mi band 5 đã hỗ trợ chế độ tập luyện thể thao mà tôi mong đợi từ khá lâu: nhảy dây nhưng ngoài ra nó không có quá nhiều khác biệt (về mặt phần cứng) so với Mi band 4.

 Tính năng theo dõi nhảy dây bắt đầu có từ Mi band 5. Nguồn ảnh: DirectD

Sau đó, Mi band 6 ra đời khiến tôi thật sự hào hứng. Nó bao gồm đầy đủ những tính năng của Mi band 5 cùng những nâng cấp phần cứng đáng kể như: màn hình tràn viền, sạc pin không cần tháo dây... Cũng như Mi band 5, Mi band 6 hỗ trợ chuyên nghiệp rất nhiều môn thể thao khác nhau (trong đó có nhảy dây) cùng rất nhiều tính năng tiện ích khác, không bị lỗi font thông báo tin nhắn tiếng Việt... Nhược điểm duy nhất của nó là vẫn chưa có GPS tích hợp. Nhưng như vậy cũng là quá đủ với nhu cầu sử dụng của tôi rồi.

Tuy vậy, tôi không có ý định làm một bài viết phân tích chi tiết về sự khác biệt giữa Mi band 4, 5, và 6 vì đã có rất nhiều những bài viết và video review khác làm tốt việc này rồi. Thay vào đó, tôi chỉ muốn tập trung vào chức năng theo dõi thể thao mà tôi sử dụng gần như mỗi ngày: đó là nhảy dây (jump rope).

Nhảy dây là một môn cardio giúp đốt cháy calo một cách nhanh chóng

Đối với tập luyện thể thao, tôi có xu hướng tập luyện theo phong cách tối giản với các tiêu chí: giảm thiểu chi phí, không gian tập, tránh phụ thuộc vào các loại dụng cụ nặng nề nhưng vẫn đảm bảo giữ cơ thể thon gọn, đảm bảo sức khỏe để học tập và làm việc. Do đó, tôi thường chọn chạy bộ hoặc nhảy dây. Tuy nhiên chạy bộ thì cần phải có không gian và còn bị chi phối bởi yếu tố thời tiết, nhất là trong thời điểm Sài Gòn đang bị lock down, người dân bị hạn chế ra ngoài thì nhảy dây trở thành lựa chọn tốt nhất.

Cách đổi mặt đồng hồ Mi Band 6

Mỗi ngày vào tầm khoảng 5h chiều (sau giờ làm) tôi thường bật một bộ phim nào đó lên và bắt đầu nhảy dây trong khoảng 30-40 phút. Việc tập trung vào hơi thở khi nhảy dây giúp tôi giải tỏa căng thẳng, giảm stress và giữ cho cơ thể luôn nhẹ nhàng, năng động. Trước khi có Mi band 6, tôi thường phải tự đếm bước nhảy hoặc nhảy theo kiểu HIIT Interval training. Dù yêu thích nhảy dây đến đâu thì đối với tôi, việc đếm bước nhảy luôn khiến tôi cảm thấy chán ngắt, nhất là khi mỗi buổi tập tôi thường nhảy ít nhất 3,000 bước. Trước đây tôi đã từng cố gắng sử dụng Mi band 2 để theo dõi bước nhảy nhưng không quá thuận tiện nên lại thôi.


Và với sự trợ giúp của Mi band 6, tôi không cần phải ghi nhớ bước nhảy nữa, chỉ cần tập trung vào hơi thở và thưởng thức bộ phim trước mặt mà thôi. Cơ chế đếm bước nhảy của Mi Band 6 theo tôi là dựa vào sự chuyển động của cổ tay khi xoay dây, tất nhiên có sai số nhưng có vẻ khá chính xác.

Chế độ nhảy dây của Mi band 6

Ngoài ra, bạn có thể set mục tiêu (goal) của buổi tập dựa trên 3 tiêu chí là thời gian (duration), lượng calo tiêu thụ (consumption) và số bước nhảy (count). Cá nhân tôi thường chọn lượng chế độ consumption. Lượng calo mà Mi band 6 tính toán hoàn toàn không phải hard code cho tất cả mọi người mà nó rất khác nhau giữa những người khác nhau. Theo tôi, nó được tính toán dựa trên cân nặng mà bạn nhập vào cũng như cường độ tập luyện của bạn trong buổi tập. Ví dụ, cũng là 300 calo nhưng nếu tôi tập trung nhảy, áp dụng nhiều kiểu nhảy khó như double under chẳng hạn khiến nhịp tim đập nhanh hơn thì thời gian tập của tôi được rút ngắn lại do chạm mốc 300 nhanh hơn. Nhưng nếu tôi tập xem kẽ với nghỉ giữa chừng thì sẽ mất nhiều thời gian hơn để đạt tới mốc 300 mong muốn.

Các mục tiêu (goal) khác nhau trong chế độ nhảy dây

Set ngưỡng cảnh báo nhịp tim

Ví dụ set mục tiêu là đốt cháy được 500 calo thì nghỉ

Ngay khi tập, bạn cũng sẽ tracking được rất nhiều thông tin ngay từ Mi band như số bước nhảy được, thời gian, lượng calo đã tiêu thụ, nhịp tim và ngưỡng nhịp tim. Ngoài ra bạn cũng có thể set ngưỡng nhịp tim mà Mi band sẽ cảnh báo nếu vượt quá. Sau khi tập, bạn có thể xem lại các thông tin chi tiết của buồi tập ngay từ Mi band hoặc đồng bộ dữ liệu với app Mi Fit trên điện thoại và xem các thông tin chi tiết hơn ngay trên đó.

Xem lại thông số của các buổi tập thông qua Workout History

Thông số chi tiết của một buổi tập

Tóm lại, nếu bạn là một người yêu thích nhảy dây thì Mi band 6 là một thiết bị mà bạn rất nên có, giúp hoàn thiện bộ dụng cụ mà bạn cần cho bộ môn jump rope. Nếu để so sánh thì với môn chạy, nếu muốn tập trong nhà, bạn sẽ cần phải sở hữu một chiếc máy chạy bộ khá đắt đỏ. Tuy nhiên, với môn nhảy dây thì bạn chỉ cần một sợi dây, một không gian vừa đủ, và nếu có thêm Mi band 6 thì thật sự hoàn hảo. Đối với cá nhân tôi thì có lẽ Mi band 6 gần như đã đáp ứng được tất cả các nhu cầu cơ bản từ việc xem thông báo cho tới tập thể thao. Vậy nên tôi có lẽ sẽ gắn bó với Mi band 6 một thời gian rất lâu trước khi nâng cấp lên một phiên bản mới hơn trong tương lai.

.
Xin vui lòng chờ đợi
Dữ liệu bài viết đang được tải về

BÌNH LUẬN

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của Cuộc Sống Tối Giản. Đây là một blog cá nhân, được lập ra nhằm mục đích lưu trữ và chia sẻ mọi thứ hay ho theo chủ quan của chủ sở hữu. Có lẽ vì vậy mà bạn sẽ thấy blog này hơi (rất) tạp nham. Mọi chủ đề đều có thể được tìm thấy ở đây, từ tâm sự cá nhân, kinh nghiệm sống, phim ảnh, âm nhạc, lập trình... Phần lớn các bài đăng trong blog này đều được tự viết, trừ các bài có tag "Sponsored" là được tài trợ, quảng cáo, hoặc sưu tầm. Để ủng hộ blog, bạn có thể share những bài viết hay tới bạn bè, người thân, hoặc có thể follow Kênh YouTube của chúng tôi. Nếu cần liên hệ giải đáp thắc mắc hoặc đặt quảng cáo, vui lòng gửi mail theo địa chỉ songtoigianvn@gmail.com. Một lần nữa xin được cảm ơn rất nhiều!!!
© Copyright by CUỘC SỐNG TỐI GIẢN
Loading...