Là một nhân sự làm việc trong ngành IT đã nhiều năm, cụ thể là ở vị trí Senior Automation QA, tôi cũng đã có được những thành tựu và kỹ năng nhất định. Dù cho có lúc đậu lúc rớt, nhưng tôi vẫn luôn giữ một tâm thế tự tin mỗi khi đi phỏng vấn tìm kiếm công việc mới. Nhưng, tôi thật sự lại rất ít nhảy việc nếu so với các đồng nghiệp khác. Thường đối với các công ty mà tôi đã từng tham gia, tôi đều cố gắng làm cho mỗi công ty ít nhất một năm trừ trường hợp bất khả kháng.
Thời kỳ đỉnh cao của nghề IT có lẽ là giai đoạn covid (2020) và sau covid, khi mà các công ty sẵn sàng offer cho các vị trí senior từ ít nhất $3,000 trở lên và thậm chí còn cho phép work from home một cách thoải mái. Đó là giai đoạn mà hộp mail Linkedin của tôi luôn đầy ắp những lời mời gọi phỏng vấn, nhiều người khoe những offer cao tới mức vô lý, các công ty mở cửa tuyển dụng, sẵn sàng lấy cả những bạn chưa có kinh nghiệm, thậm chí là trái ngành mà vẫn không đủ nhân lực đáp ứng trước nhu cầu tăng cao của thị trường.
Trước thực tế đó, người người nhà nhà đổ xô nhau đi học IT, từ chính quy trong trường đại học ra tới các trung tâm đào tạo mì ăn liền. Điều này dẫn tới sự thừa mứa nhân lực ở những năm sau đó, khiến cho chỉ trong vòng 5 năm, mọi chuyện đổi khác rất nhanh. Lúc này, nhiều người nói vui rằng chỉ cần bước ra đường, cầm một cục đá ném lên trời thì kiểu gì cũng rơi trúng đầu một ông IT.
Thán 8/2020, tôi trở về Việt Nam sau 1 năm làm việc tại Agoda Thái Lan, và rất nhanh, tôi đã có offer làm việc cho một dự án khá lớn. Vừa làm việc, tôi vừa đảm nhận luôn vai trò phỏng vấn tuyển dụng chuyên môn cho công ty. Khi xuống phỏng vấn cho các vị trí fresher, tôi nhận thấy có rất nhiều bạn không hề có background IT, có bạn đang làm sale hoặc công nhân nhà máy lại rẽ ngang xin đi làm IT với suy nghĩ đơn giản là đỡ vất vả và lương cao. Hầu hết tôi không nhận những ứng viên như vậy, thậm chí phong cách phỏng vấn của tôi có phần kỹ càng và đòi hỏi cao hơn so với những người khác. Ấy vậy mà tôi khá bất ngờ khi nghe chính sếp của mình yêu cầu phải nới lỏng tiêu chuẩn tuyển dụng xuống nhằm tuyển được nhiều người hơn nữa.
Hai năm trôi qua, sau khi đã cân nhắc cẩn thận, tôi quyết định nhận một offer mới để làm việc từ xa cho một công ty Singapore với mức lương tốt hơn và những công nghệ mới hơn. Lúc này, thị trường việc làm IT vẫn rất sôi động và hấp dẫn, chưa hề có dấu hiệu gì bất thường. Nhưng đúng như người ta nói, mặt biển thường lặng im trước cơn đại hồng thủy, đây lại chính là giai đoạn đánh dấu những đổi thay bất ngờ.
Sau một năm làm việc ở công ty mới, mọi việc vẫn êm đẹp, nhưng có một điều lạ là hộp mail Linkedin của tôi trước đây luôn đầy ắp các lời mời kết nối và tuyển dụng, nay bắt đầu vơi dần và ít đi rõ rệt. Tôi nhận ra khi đã bước qua tuổi 30, các nhân sự IT bắt đầu bị đánh giá là già và không còn năng động, và tình hình cũng không khá hơn ở lớp trẻ khi mà khá nhiều người than phiền giờ đây chỉ đế kiếm một vị trí thực tập (internship) cũng phải cạnh tranh quá khủng khiếp, hệ quả trực tiếp của giai đoạn đào tạo IT vô tội vạ những năm trước đây.
Các công ty lớn như Google, Microsoft, Twitter bắt đầu thông báo các đợt sa thải hàng loạt với số lượng nhân viên bị ảnh hưởng từ mỗi đợt có thể lên tới cả hơn 10,000 người. Mọi việc càng tệ hơn khi các công cụ AI như ChatGPT xuất hiện, với những lời "đe dọa" rằng AI sẽ cướp đi việc làm của những vị trí tưởng như không thể thay thế như lập trình viên hoặc các vị trí liên quan tới lập trình (như automation engineer mà tôi đang làm) vì AI giờ đây có thể code (lập trình) thay cho con người nhanh hơn và chính xác hơn.
Công ty mà tôi đang làm việc cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Trong các đợt town hall, CEO nói bóng gió về việc layoff (sa thải) như một biện pháp cắt lỗ và đảm bảo sự tồn tại của công ty. Những báo cáo tài chính được public hàng tháng cũng cho thấy việc kinh doanh không hiệu quả tại thị trường Việt Nam, khiến chúng tôi làm việc trong tâm trạng có phần lo lắng. Lúc này, một người bạn của tôi ở Mỹ cũng thông báo vừa bị mất việc, tôi thật sự không biết phải nói gì.
Và không còn chỉ là những lời đồn, layoff đã thật sự xảy ra. Tôi may mắn thoát khỏi đợt layoff đầu tiên, phía công ty cũng hứa hẹn đây là lần layoff cuối cùng. Nhưng một lời hứa không có gì bảo chứng thì cũng sẽ chẳng thể bền lâu, chỉ một năm sau đó, chúng tôi bắt đầu nghe được những thông tin về đợt layoff thứ hai. Và lần này, tôi đã không còn may mắn.
Đó là một buổi sáng thứ hai, chúng tôi nhận được lời mời tham dự một cuộc họp bất thường. Do đã có chuẩn bị trước, tôi tranh thủ xóa hết dữ liệu cá nhân trong máy công ty và... chờ đợi. Không ngoài dự đoán, CTO xuất hiện trong cuộc họp với gương mặt nghiêm trang, hệt như một năm về trước. Bác CTO tuyên bố lý do của đợt layoff thứ hai, và những ai bị layoff sẽ bị kick ra khỏi máy công ty (do IT ngắt quyền truy cập từ xa) trong vòng 5-10 phút.
Cuộc họp chấm dứt, tôi nín thở chờ đợi và một cảm giấc rất khó tả khi thấy account của mình tự động log out khỏi máy công ty, chỉ còn tôi đối diện chính mình qua tấm gương màn hình của con Macbook trước mặt. Dù cho đã chuẩn bị tâm lý, tôi vẫn không khỏi cảm thấy hụt hẫng và tự nghi ngờ năng lực bản thân. Lúc đó tôi chỉ muốn chửi bới và blame một ai đó. Đó là ngày 15/01/2025, khi chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là tới năm mới âm lịch.
Tôi lên công ty để bàn giao thiết bị và nhận cam kết đền bù ngay hôm sau. Lúc này tôi đã bình tĩnh dù vẫn còn khá buồn. Ngồi trên xe bus về nhà, tôi rút điện thoại nhắn tin vào nhóm Whatsapp của công ty để chào tạm biệt. Một chị đồng nghiệp người Malay gốc Hoa sau đó nhắn riêng tôi hỏi thăm, tôi bảo mình không trách ai cả, tôi hiểu đây là biện pháp mà công ty phải làm để sinh tồn, nếu không công ty sẽ càng khó khăn hơn nữa. Chị bảo có lẽ nếu là chị, sẽ khó mà giữ được bình tĩnh như vậy. Tôi không bình tĩnh, chỉ là tôi hiểu rằng trong business vốn không có chỗ cho sự thương hại hoặc nhân ái. Khi một tính năng hoặc dịch vụ không còn làm ra tiền, những người trong board (hội đồng quản trị) sẽ thẳng tay cắt đi tính năng đó, đồng nghĩa với việc cắt đi những nhân sự liên quan. Thôi thì mội việc cũng đã kết thúc trong êm đẹp, công ty cũng đã đền bù thỏa đáng, tôi lại tiếp tục kiếm một công việc mới.
Tôi bật trạng thái #OpenToWork trên Linkedin để tìm việc, các headhunt nhanh chóng liên hệ nhưng có rất nhiều job bị trùng và mức lương offer giảm đi phải tới 25%, thậm chí 30%, trong khi yêu cầu trách nhiệm công việc lại nhiều hơn đáng kể. Dĩ nhiên, tôi rất tỉnh táo hiểu rằng đã đến lúc mình phải hạ thấp tiêu chuẩn, tuyệt đối không phải là lúc để làm giá. Các đợt layoff lúc này vẫn liên tục diễn ra ở cả trong và ngoài nước.
Tôi nộp CV vào 4 công ty, 2 công ty để tôi chờ khá lâu rồi thông báo không tuyển nữa, 2 công ty còn lại tôi vào được tới vòng trong thì một công ty reject, có lẽ vì tôi đã trả lời không tốt khi gặp CTO, công ty nước ngoài cuối cùng thì có phần suôn sẻ và thuận lợi, tôi nhận được offer sau đó và bắt đầu đi làm. Quãng thời gian mất việc không quá lâu nhưng lại khiến tôi suy nghĩ khá nhiều.
Tôi nhận ra ở tuổi 35, tôi bắt đầu không còn nhiều cơ hội với các công ty trong nước dù chuyên môn và ngoại ngữ giao tiếp của tôi có thể được coi là tốt và vững vàng. Ở tuổi này, bắt đầu đã có sự phân biệt tuổi tác trong quá trình tuyển dụng, thường yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệm quản lý nhiều hơn là chuyên môn. Trong khi các công ty theo phong cách quản lý nước ngoài khi phỏng vấn thường tập trung rất nặng vào kỹ thuật, tôi thậm chí gặp được những người phỏng vấn chỉ làm thuần chuyên môn nhưng đã có tới hơn 20, thậm chí gần 30 năm kinh nghiệm, chứng tỏ ở những đất nước đó, job safety của họ làm rất tốt.
Hiện tại tôi đã may mắn có được một công việc khác, nhưng đúng nghĩa là được lúc nào hay lúc đó. Nếu có ai đó hỏi tôi "Where do you see yourself in 5 years?", tôi thật sự không biết, vì 5 năm nữa là tôi đã 40 tuổi. Không phải tôi bi quan, nhưng có lẽ tôi cũng nên chuẩn bị cho một tương lai 5 năm tới, khi mà AI đã phát triển vượt bậc, có khả năng tôi sẽ lại mất việc, và phải chấp nhận làm những công việc trái với chuyên môn để sinh tồn, như nhân vật Cao Chí Lũy trong bộ phim Upstream. Trò chuyện với những người bạn của tôi, không ai tính tới việc sinh con hoặc thậm chí sinh thêm con do cảm thấy không có gì chắc chắn ở tương lai phía trước, và đó không chỉ vì vấn đề việc làm, if you know what I mean.
Lời khuyên của tôi lúc này cho chính tôi, có lẽ là hãy dành nhiều thời gian hơn cho gia đình khi còn có thể, hãy làm nhiều việc hơn cùng nhau như đi du lịch đâu đó, hay chỉ đơn giản là một bữa tối vui vẻ; hãy cố gắng học hỏi và trau dồi thêm các kỹ năng đang có hoặc học thêm kỹ năng mới; hãy tập thể dục thể thao đều đặn, nhất là chạy bộ hoặc nhảy dây để kiểm soát hơi thở giúp tâm lý được cân bằng; hãy sống tối giản, vứt bỏ đi những thứ không cần thiết trong cuộc sống và suy nghĩ. Mong cho bạn và tôi sẽ có được sự kiên nhẫn và một tinh thần vững chắc, để tất cả chúng ta có thể cùng nhau vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
Sài Gòn, một ngày đầu tháng Bảy