Tối giản chi phí cho các dịch vụ trực tuyến

Wednesday, May 03, 2023
Edit this post


Cách đây vài hôm tôi có đọc được một bài chia sẻ trên một diễn đàn nọ. Trong đó một bạn trẻ liệt kê và tính toán các loại chi phí subscription trên Internet hàng tháng mà bạn phải bỏ ra. Các chi phí này bao gồm YouTube Premium, Spotify, Apple Music, Netflix, Office 365... Tính tổng cộng, mỗi tháng bạn chi ra khoảng 700k để duy trì các dịch vụ đó.

Xài tiền mình kiếm được như thế nào là quyền của mỗi người, nhưng trong thời buổi khó khăn hiện nay, khi mà kinh tế đang ngày càng đi xuống, thì tiết kiệm các chi phí này cũng có thể giúp bạn để dành được một khoản đáng kể, dành budget cho những việc quan trọng và cần thiết hơn.

Tôi không phải là một fan của monthly subscription, hay nói trắng ra, tôi cực kỳ ghét monthly subscription. Nếu phải mua một ứng dụng hoặc phần mềm nào đó, tôi thường tìm chọn lifetime subscription. Rất tiếc, hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ ngày nay lại đang đi theo hướng "everything as a service" để có thể "hút máu" người dùng càng nhiều càng tốt. Chúng ta đang sống trong một xã hội ngày càng văn minh, nhưng động tới cái gì dù là nhỏ nhất cũng phải trả bằng tiền.

Dĩ nhiên, việc trả tiền để được sử dụng dịch vụ không có gì là sai, doanh nghiệp cần có chi phí để vận hành và cho ra những sản phẩm mới ngày một tốt hơn, và ở chiều ngược lại, người dùng cũng mong được tiếp cận với những sản phẩm dịch vụ chất lượng với giá cả hợp lý.

Người dùng đang bị "lạm dụng"

Ngày nay, chỉ đơn giản mở một ứng dụng free-to-play hoặc free-to-use trên điện thoại di động, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp các tùy chọn như trả tiền để tắt quảng cáo, trả tiền để mua gói premium, trả tiền để nâng cấp hạng người dùng... Nếu không trả tiền, bạn sẽ bị làm phiền bởi hàng tá quảng cáo popup rác rưởi đập vô trong mặt mỗi lần chuyển màn hình hoặc ấn nút gì đó.

Với tư cách là một người dùng, tôi chấp nhận xem quảng cáo để nhà sản xuất có chi phí, nhưng ở chiều ngược lại, nhà sản xuất cũng nên học cách tôn trọng người dùng, nhằm mang đến cho họ một trải nghiệm tốt hơn. Trên thực tế, chỉ cần mở một ứng dụng có quá nhiều quảng cáo popup, tôi sẽ đánh 1 sao và gỡ bỏ ngay lập tức.

Người dùng chúng ta cũng không nên quá dễ dãi để các nhà cung cấp dịch vụ "cứa cổ" mà vẫn tưởng đó là một ân huệ mà họ ban cho chúng ta. Theo tôi, quan hệ giữa nhà cung cấp và người dùng phải là một mối quan hệ lành mạnh, đôi bên cùng có lợi, và có sự lắng nghe, tôn trọng giữa hai bên.

Chúng ta nên trả tiền subscription khi nào?

Quay lại câu chuyện "cần" và "muốn". Bạn phải xác định được bạn có thật sự "cần" dịch vụ hay ứng dụng này hay không? Chúng ta hãy trả tiền khi đó là "cần", và đừng trả tiền khi đó chỉ là "muốn" nhất thời. Một khi bạn có thể xác định rõ cái gì là "cần", cái gì là "muốn", lựa chọn sẽ rất đơn giản.

Giả sử bạn là một graphic designer và bạn dùng Adobe Photoshop để kiếm cơm, thì bạn rất nên mua dịch vụ hoặc phần mềm này. Tuy nhiên, hãy nhớ nếu bạn sử dụng Photoshop để phục vụ cho các dự án của công ty, thì công ty phải có trách nhiệm thanh toán chi phí này cho bạn.

Còn ở góc độ người dùng cá nhân, nếu bạn không có nhu cầu sử dụng Photoshop quá thường xuyên, nếu có thì cũng chỉ là vài chức năng cơ bản như crop ảnh, chỉnh sáng, chỉnh màu v.v... thì có thể bạn đang chưa thực sự "cần", do đó không nhất thiết phải bỏ tiền ra để thuê dịch vụ.

Cách tối giản chi phí subscription

Vậy các bạn hỏi tôi, chi phí tôi bỏ ra 1 tháng cho các dịch vụ trực tuyến là bao nhiêu? Câu trả lời là 0 đồng (không tính tiền Internet). Đối với tôi, đây là một cách để bảo vệ kinh tế cá nhân của bản thân. Vậy làm cách nào để chúng ta có thể tối giản chi phí này, nhưng vẫn không phải xài phần mềm lậu hay crack vốn tiềm ẩn các nguy cơ bảo mật rất cao? Câu trả lời là chúng ta hãy tìm các giải pháp thay thế có chức năng tương đương.

Dưới đây là danh sách đề nghị các công cụ miễn phí mà tôi đang dùng (online lẫn offline) để thay thế cho các công cụ trả phí, hoặc vẫn trả phí nhưng ở mức tối thiểu:

  • Adobe Photoshop:
    • Online: PhotoPea là một nền tảng trực tuyến hoàn toàn miễn phí cung cấp gần như đầy đủ các chức năng cơ bản của một phiên bản Photoshop hoàn chỉnh. Nếu cần chỉnh sửa nhanh gọn, PhotoPea là một công cụ cực kỳ hữu ích.
    • Offline: GIMP là một phần mềm xử lý ảnh mã nguồn mở nếu bạn cần các thao tác và công cụ chuyên sâu hơn nhưng vẫn đảm bảo tính dễ sử dụng và hiệu quả.
  • ProShow Gold: là một phần mềm tạo slideshow ảnh cực kỳ dễ dàng và đẹp mắt. Tuy nhiên, nếu bạn cần một giải pháp miễn phí để thay thế thì PhotoStage của NCH Software là một lựa chọn không tồi. Thực ra PhotoStage không hoàn toàn miễn phí nhưng bản demo của họ hoàn toàn không giới hạn tính năng cũng như nhúng watemark vào video được xuất ra.
  • Microsoft Office:
    • Online: Google Docs/Sheets/Slides là những công cụ trực tuyến tuyệt vời để thay thế cho Word/Excel/PowerPoint. Thực tế có nhiều công ty cũng khuyến khích nhân viên dùng các nền tảng office online như vậy để tiết kiệm chi phí. Tất nhiên, nếu công việc của bạn yêu cầu làm việc chuyên nghiệp với bảng tính, hẳn là công ty của bạn sẽ phải mua bản quyền Microsoft Office phải không nào?
    • Offline: LibreOffice là một bộ phần mềm văn phòng miễn phí có thể thay thế khá tốt Microsoft Office.
  • YouTube Premium:
    • PC: các tùy chọn bên dưới sẽ giúp bạn chặn gần như tuyệt đối các loại quảng cáo phiền nhiễu khi xem videos trên YouTube.
      • Chrome + uBlock origins
      • Opera Browser
      • Brave Browser
      • ...
    • Android: ReVanced
  • Spotify:
    • Chúng ta có thể nghe nhạc bằng YouTube cũng khá ổn nếu bạn không phải là dân chơi âm thanh và bị ám ảnh bởi chất lượng âm thanh. Ở mức độ "chống điếc" và cần một âm thanh gì đó để nghe trong lúc làm việc, YouTube là một lựa chọn không tồi. Còn rõ ràng nếu đã là một audiophile, thì bạn sẽ phải tốn rất nhiều tiền đầu tư không chỉ cho nguồn bài hát mà còn cả trang thiết bị nữa.
    • ZingMp3, chiasenhac.vn... là các lựa chọn khác mà bạn có thể cân nhắc.
  • Netflix/Disney+/AppleTV... : có quá nhiều các nền tảng streaming video ngày nay. Lời khuyên là đừng tốn quá nhiều tiền vào việc follow tất cả các nền tảng. Thực tế, bạn cũng khó có thời gian để mà xem phim cả ngày được.
    • Bạn có thể chia sẻ gói cước với nhiều người khác hoặc người thân trong gia đình, tuy nhiên, có vẻ như Netflix đang muốn xiết lựa chọn này.
    • Việc xem phim trên các nền tảng lậu nhưng cực kỳ phong phú như Fmovies là một lựa chọn hấp dẫn nhưng lại có thể khiến nhà sản xuất phim chịu nhiều thiệt hại. Tôi không khuyến khích lựa chọn này. Tuy nhiên, bạn có thể ủng hộ nhà sản xuất sau đó bằng cách đi xem phim chiếu rạp những bộ phim mà bạn cảm thấy yêu thích.
  • Games:
    • Steam có lẽ là platform phân phối game bản quyền được ưa chuộng nhất hiện nay. 
      • Tuy nhiên, lời khuyên của tôi là đừng chọn mua các game có quá nhiều DLC như The Sims 4 chẳng hạn, EA Games đã phá nát tựa game huyền thoại này bằng việc "hút máu" một cách quá đà.
      • Đừng trả tiền cho DLC trong game, đây là một cách để phản kháng việc lạm dụng DLC kiếm tiền của nhà phát triển.
      • Đừng pre-order hoặc mua game khi game vừa mới ra mắt. Hãy dùng công cụ https://steamdb.info/sales/ để "soi" giá game theo thời gian, bạn sẽ biết được giá thấp nhất của tựa game mình yêu thích.
      • Hãy wishlist những tựa game ưa thích và kiên nhẫn chờ đợi. Vào những dịp đặc biệt, một số game thậm chí còn được give away và bạn sẽ không phải trả xu nào cả.
    • RevoltG là một lựa chọn nền tảng phân phối game khác với đối tượng được hướng tới là cộng đồng game thủ VN. Giá các tựa game bản quyền trên nền tảng này hợp lý hơn rất nhiều nếu so với các nền tảng quốc tế.
    • Đừng mua quá nhiều game, trừ khi bạn là người vô công rỗi nghề, không có việc gì làm và có thể chơi game được cả ngày. Còn thực tế là một người đi làm, tôi hầu như không có nhiều thời gian để chơi game.
  • Study/Học tập:
    • Udemy: Nếu công ty bạn đang làm có tài trợ tài khoản Udemy Business Account thì bạn rất nên tận dụng để tiếp cận kho bài giảng đồ sộ và chất lượng. Ngay cả khi dùng tài khoản cá nhân, bạn vẫn có thể săn các khóa học free.
    • Duolingo: Là một ứng dụng học ngoại ngữ cơ bản khá nổi tiếng và dễ sử dụng. Tuy nhiên, dạo gần đây ứng dụng chèn vào hơi nhiều các quảng cáo phản cảm khiến tôi cảm thấy khó chịu. Duolingo cũng cung cấp gói monthly subscription nhưng lựa chọn hay không là tùy bạn, riêng tôi thì không.
    • Elsa Speak: Là một ứng dụng luyện phát âm tiếng Anh mà tôi đánh giá rất cao. Ứng dụng đã giúp tôi phát hiện và sửa được rất nhiều lỗi sai mà trước đây tôi không hề hay biết. Đây là một trong số ít những ứng dụng mà tôi đã bỏ tiền ra mua gói lifetime subscription và cho đến nay vẫn cảm thấy đáng đồng tiền bát gạo.
    • HackerRank: Cho các bạn yêu thích lập trình.
    • ...
  • TV/Truyền hình cáp: Có thể bạn sẽ khá ngạc nhiên khi biết tôi không dùng bất cứ dịch vụ truyền hình nào cả. Thứ nhất vì tôi không có thời gian để xem, thứ hai, nếu cần xem một bộ phim hay chương trình nào đó cụ thể, tôi sẽ xem trên YouTube hoặc một nền tảng streaming bằng laptop. Từ đó, bạn cũng có thể dễ dàng loại bỏ luôn cả chiếc TV khỏi ngôi nhà của mình.

Kết luận

Trên đây là những quan điểm và kinh nghiệm cá nhân mà tôi đã và đang đúc kết để có thể giúp tối giản chi phí sử dụng Internet. Xin được nhấn mạnh một lần nữa, dùng tiền như thế nào là quyền của bạn. Bạn có thể subscribe tất cả các dịch vụ mà bạn thích thì cũng chẳng ai có quyền phán xét bạn cả. Đối với những ai đang cần tìm những biện pháp/công cụ thay thế, tôi hy vọng bài viết này đã ít nhiều giúp ích được cho bạn. Cảm ơn đã đọc bài viết, chúc các bạn một ngày vui vẻ.

.
Xin vui lòng chờ đợi
Dữ liệu bài viết đang được tải về

BÌNH LUẬN

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của Cuộc Sống Tối Giản. Đây là một blog cá nhân, được lập ra nhằm mục đích lưu trữ và chia sẻ mọi thứ hay ho theo chủ quan của chủ sở hữu. Có lẽ vì vậy mà bạn sẽ thấy blog này hơi (rất) tạp nham. Mọi chủ đề đều có thể được tìm thấy ở đây, từ tâm sự cá nhân, kinh nghiệm sống, phim ảnh, âm nhạc, lập trình... Phần lớn các bài đăng trong blog này đều được tự viết, trừ các bài có tag "Sponsored" là được tài trợ, quảng cáo, hoặc sưu tầm. Để ủng hộ blog, bạn có thể share những bài viết hay tới bạn bè, người thân, hoặc có thể follow Kênh YouTube của chúng tôi. Nếu cần liên hệ giải đáp thắc mắc hoặc đặt quảng cáo, vui lòng gửi mail theo địa chỉ songtoigianvn@gmail.com. Một lần nữa xin được cảm ơn rất nhiều!!!
© Copyright by CUỘC SỐNG TỐI GIẢN
Loading...