Tôi lại đi phỏng vấn làm automation engineer

Thursday, November 17, 2022
Edit this post


Thân chào các bạn, hy vọng rằng các bạn vẫn khỏe và đang sống những tháng ngày vui vẻ. Lần này đã là 2 tháng kể từ bài viết gần nhất tôi đăng trên blog. Một phần vì quá bận bịu, phần vì không có ý tưởng gì mới để viết nên tốc độ đăng bài khá chậm. Nhưng hôm nay sẵn có chút thời gian, nhìn lại hành trình 10 năm đi làm và chuẩn bị bước sang một ngã rẽ mới, tôi lại lấy bàn phím ra ngồi gõ một chút cho đỡ nhớ thú vui viết lách.

Bước ngoặt

Mỗi lần nói về chủ đề công việc, tôi lại nhớ tới những tháng ngày làm việc ở Bangkok. Ngày ấy, khi quyết định nghỉ việc ở công ty đã gắn bó hơn 6 năm trời để liều lĩnh một mình ra nước ngoài làm việc, tôi đã cảm thấy rất sợ hãi. Những ngày thử việc đầu tiên tôi tưởng như mình đã không thể vượt qua nổi. Ấy vậy mà rồi đâu cũng vào đấy.

Tính ra làm việc ở nước ngoài như tôi khá lỗ. Vì trừ chi phí sinh hoạt và vé máy bay đi đi về về, thuế và bảo hiểm xã hội tôi phải đóng cho nước bạn—không claim lại được đồng nào, thì thực ra thu nhập thực tế cũng không quá nhiều, tôi hoàn toàn có thể kiếm được số tiền tương đương ở Việt Nam mà lại đỡ vất vả hơn. Nên nếu có dự định làm việc ở nước khác thì thà là đi luôn, chứ đi rồi lại về như tôi thì không lời mấy đâu. Nói vui vậy thôi, tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định ngày đó của mình vì nhờ đó mà tôi đã học và rèn luyện được cách làm việc chuyên nghiệp, cống hiến, tính tập trung và sự ham học hỏi. Đó mới là những vốn quý nhất khiến tôi cảm thấy tự tin khi đi bất cứ nơi đâu. Vì trước đó, tôi vốn khá lười biếng và thiếu tập trung.

Về Việt Nam, cơ duyên đưa tôi trở lại với công ty cũ để làm việc cho một dự án Âu Mỹ. Cường độ công việc khá nặng, sau khi đã bắt nhịp được với dự án, tôi hầu như phải làm từ sáng đến tối, hỗ trợ từ 2-3 team. Lúc yên ổn thì không sao, nhưng những lúc có issue thì đúng là thảm họa. Nhưng tôi vẫn rất vui vẻ làm việc vì nhờ đó mà tôi đã có được trải nghiệm làm việc dưới áp lực cao. Bù lại, thu nhập và những ghi nhận từ phía công ty cũng khiến tôi cảm thấy được an ủi phần nào.

Quan trọng hơn nữa, những công nghệ và kiến thức kỹ thuật mà tôi học được từ dự án khiến tôi cảm thấy rất hứng thú. Ngoài ra, được làm việc với các bạn trẻ tài năng, dễ thương, cùng khách hàng thân thiện cũng là những yếu tố khiến tôi cảm thấy mỗi ngày làm việc là một niềm vui.

Nhưng... 

Ấy vậy mà sau 2 năm, tôi lại một lần nữa nói lời chia tay với công ty cũ. Một vài đồng nghiệp hỏi tại sao tôi lại quyết định ra đi khi mà mọi thứ có vẻ như đang khá thuận lợi—công việc trôi chảy, khách hàng yêu mến, đồng nghiệp dễ thương?

Đầu tiên là yếu tố thu nhập và benefits. Tôi đã đi làm 10 năm trong nghề, tôi luôn nghĩ đi làm là được trả tiền để đi học, cách nghĩ như vậy khiến tôi cảm thấy công việc trở nên nhẹ nhàng và hứng thú hơn. Tuy vậy, cũng đã đến lúc tôi phải nghĩ đến những thứ lâu dài. Vậy nên ngoài lương (salary), thì thưởng (bonus) và những phúc lợi (benefits) kèm theo là những yếu tố khiến tôi rất cân nhắc khi quyết định tìm kiếm một công việc. Trong benefits thì mức đóng bảo hiểm xã hội cũng có tác động nhất định.

Thứ hai là sự phát triển bản thân. Tôi tin rằng tiền bạc không thể mang theo được khi chúng ta chết, nhưng những trải nghiệm và kiến thức là những thứ có thể theo chúng ta qua bên kia thế giới. Vậy nên đầu tư vào bản thân chưa bao giờ là uổng phí. Khi qua một công ty mới với thu nhập cao hơn cùng một domain hoàn toàn mới, rõ ràng trách nhiệm và kiến thức cũng sẽ nhiều hơn. Nhưng tôi tin rằng, ở những công ty có quy trình tuyển dụng chặt chẽ, với áp lực nhất định cùng phúc lợi xứng đáng, sẽ có nhiều top talents làm việc ở đó, nhờ vậy tôi sẽ học hỏi thêm được rất nhiều từ họ.

Tôi đi tìm việc

Ở thời điểm viết bài, tôi đã gắn bó với dự án hiện tại được hơn 2 năm. Thực ra cách đây 1 năm tôi đã từng thử ra ngoài phỏng vấn nhưng bị tạch ở vòng cuối. Đó là một công ty của một ngân hàng nước ngoài đang phát triển khá nhanh ở Việt Nam với những phúc lợi khá tốt. Tôi đã vượt qua được bài test và vòng home assignment tuy nhiên lại không qua được vòng phỏng vấn cuối với 2 QA người Việt. Người chấm assignment và người interview là hai người khác nhau nên đánh giá của họ mang tính độc lập và chủ quan, mà tôi tin rằng cũng phần nào đó ảnh hưởng tới quyết định cuối cùng. Nhưng thôi, fail là fail, không nói nhiều.

Gần đây, trên LinkedIn có một bạn agency liên hệ với tôi để giới thiệu công việc mới. Đọc job description và các thông tin liên quan, tôi cảm thấy khá phù hợp nên quyết định apply vào vị trí Senior QA Engineer ở 2 công ty A và B. Cả hai đều là những công ty product có trụ sở ở những quốc gia khác nhau. 

Nhờ bạn agency tư vấn và làm trung gian, tôi được xếp lịch phỏng vấn và bắt đầu bước vào quá trình chuẩn bị. Khoảng thời gian này khá bận vì việc nhiều nhưng tôi vẫn cố gắng dành thời gian cuối tuần để rà lại những lý thuyết chưa rõ và chuẩn bị sẵn framework cho các buổi phỏng vấn.

Các buổi phỏng vấn diễn ra khá suôn sẻ, vì đã nhận và accept offer từ phía công ty A trước, nên tôi xin rút lui khỏi quy trình phỏng vấn của công ty B để tránh làm mất thời gian của cả hai bên.

Kinh nghiệm phỏng vấn

Quy trình phỏng vấn Automation Engineer ở các công ty công nghệ thường là giống nhau: một bài test online đầu vào để sàng lọc, 1-2 vòng live coding, và 1-2 vòng culture fit. Ngôn ngữ được sử dụng ở tất cả các vòng thường là tiếng Anh, trừ khi bạn phỏng vấn ở các công ty thuần Việt Nam.

Bài test online nhìn chung chủ yếu sẽ xoay quanh các câu hỏi trắc nghiệm về manual test và automation test. Đối với manual thì kiến thức sẽ lấy một phần khá cơ bản từ giáo trình của ISTQB CTFL: kiểu như sự khác biệt giữa regression và smoke test, các testing level... Đối với automation thì các câu hỏi cũng sẽ khá cơ bản liên quan tới API Test (các restful methods), cách bắt element bằng xPath, các câu hỏi liên quan tới POM design pattern, Selenium waits v.v...

👉 Một số câu hỏi phỏng vấn cho manual tester

Vòng live coding là những vòng quan trọng nhất để người phỏng vấn đánh giá khả năng technical và giao tiếp của bạn. Theo kinh nghiệm của tôi, những câu hỏi ở vòng này thường sẽ khá đa dạng bắt đầu bằng các câu kỹ thuật lập trình đơn giản như tìm số nguyên tố, in bảng cửu chương, xóa ký tự trùng, tìm số lớn nhất bé nhất trong mảng v.v... Họ cũng có thể yêu cầu bạn viết các câu truy vấn SQL, trình bày cách sử dụng CI/CD tool, Git, docker v.v... Nhìn chung, câu hỏi rộng nhưng sẽ không quá khó như câu hỏi cho dev, trừ khi bạn làm ở các vị trí rất đặc thù.

Một dạng thứ hai là thay vì hỏi, người phỏng vấn sẽ đưa ra một Restful API ngẫu nhiên trên mạng và yêu cầu bạn viết code ngay tại chỗ để automation test endpoint đó, có thể bằng bất kỳ ngôn ngữ hoặc thư viện nào bạn muốn. Cũng đơn giản thôi, kiểu như request có những field này, cho ra response, mình check xem response có đúng như mong đợi hay không.

Họ cũng có thể đưa một trang web ngẫu nhiên và yêu cầu bạn viết code để UI automation test một flow nào đó kiểu như login vào trang, nhấn nút bất kỳ và validate thông tin nào đó được hiển thị. Những dạng bài này không quá khó nhưng khá tốt để đánh giá kỹ năng xoay sở của ứng viên. Đó là lý do tôi luôn mang theo một framework tự dựng sẵn để khi cần là lấy ra code được ngay, không phải tốn thời gian chuẩn bị.

Dạng thứ ba thường thấy nữa là home assignment, trong đó đề bài thường là dựng một framework bằng ngôn ngữ được chỉ định để login vào hệ thống của họ và thực hiện một flow nào đó. Họ cũng có thể khuyến khích hoặc chỉ định các thư viện liên quan nếu cần. Sau đó họ sẽ hẹn bạn phỏng vấn một ngày khác và đặt các câu hỏi liên quan dựa trên home assignment mà bạn đã làm. Đối với dạng này bạn nên chịu khó bỏ thời gian trau chuốt coding convention và structure của framework để showoff tốt nhất coding style của bạn.


Các công ty có thể chọn 1 hoặc 2 cách trên hoặc kết hợp tất cả các cách lại với nhau để đánh giá chính xác nhất ứng viên. Vì vậy, đừng nên học tủ mà tốt nhất ngay từ lúc này bạn nên nghiền ngẫm, đọc documentation và cố gắng hiểu rõ những gì bạn đang làm, để kiến thức và kỹ năng sẽ trở thành một phần của chính bạn. Practice makes perfect.

Đến vòng culture fit thì mọi thứ đã gần như chắc chắn, các bạn nên tìm hiểu trước về công ty và chuẩn bị sẵn một vài câu hỏi liên quan tới công việc để hỏi lại người phỏng vấn. Những vòng như này thường nhẹ nhàng, bạn chỉ cần nói chuyện rõ ràng, vui vẻ, đừng quá nghiêm túc, nhưng cũng đừng ăn nói lung tung là được.

Lưu ý

Các công ty hiện nay, đặc biệt là các công ty nước ngoài khi phỏng vấn thì họ sẽ chú trọng vào việc bóc tách và tìm hiểu năng lực của ứng viên chứ không mấy quan tâm tới bằng cấp hoặc chứng chỉ. Nhưng, thường trước khi ký hợp đồng, họ sẽ làm background check, có thể là check lý lịch tư pháp, check xem những thông tin bạn cung cấp có đúng hay không, thậm chí là check xem bằng đại học của bạn là thật hay giả. Vậy nên bạn cần biết trước những điều này để tránh mất thời gian cho cả đôi bên và có sự chuẩn bị tốt nhất về mặt giấy tờ.

Tạm biệt...

Rời bỏ công việc hiện tại, nói thật là tôi có chút lo lắng, thậm chí lo sợ, nhưng đồng thời cũng rất háo hức. Có người nói tôi nên gắn bó với công việc hiện tại, an toàn hơn, thu nhập cũng đã ổn rồi. Tôi cũng đã có lúc nghĩ vậy nhưng nhìn lại thì rõ ràng, nếu năm xưa tôi không quyết tâm mạo hiểm và thay đổi thì đã không có tôi ngày hôm nay. Mọi việc có thể tốt hơn, có thể tệ hơn, nhưng chỉ cần tôi nghiêm túc và không ngừng cố gắng, thì tôi tin kết quả không thể nào quá tệ. Và ít nhất tôi sẽ luôn có được những trải nghiệm và bài học mới. Tôi vẫn chưa có cái là sự nghiệp rực rỡ như một số bạn bè của mình, nhưng ít nhất, tôi vẫn đang tận hưởng những gì mình đang và sẽ làm.

Hôm tôi thông báo sắp qua công ty mới, bạn đồng nghiệp bên phía khách hàng khá bất ngờ, dù buồn nhưng bạn vẫn chúc mừng và mong tôi thành công. Tôi cũng buồn vì đã gắn bó và làm việc 2 năm với bạn, đó là chưa nói tới các đồng nghiệp dễ thương phía bên Việt Nam. Phải chia tay với những gương mặt thân quen lúc nào cũng thật sự khó khăn, dù đã luôn xác định là rất khó để có thể gắn bó với nhau mãi mãi. Ở một thời điểm nào đó, mỗi người đều phải tự bước đi trên những ngã rẽ của cuộc đời mình. Xin cảm ơn tất cả mọi người vì những tháng ngày làm việc vui vẻ, thú vị, vì những gì mà chúng ta đã học hỏi được từ nhau và giúp đỡ lẫn nhau. Hẹn gặp lại một ngày không xa...

.
Xin vui lòng chờ đợi
Dữ liệu bài viết đang được tải về

BÌNH LUẬN

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của Cuộc Sống Tối Giản. Đây là một blog cá nhân, được lập ra nhằm mục đích lưu trữ và chia sẻ mọi thứ hay ho theo chủ quan của chủ sở hữu. Có lẽ vì vậy mà bạn sẽ thấy blog này hơi (rất) tạp nham. Mọi chủ đề đều có thể được tìm thấy ở đây, từ tâm sự cá nhân, kinh nghiệm sống, phim ảnh, âm nhạc, lập trình... Phần lớn các bài đăng trong blog này đều được tự viết, trừ các bài có tag "Sponsored" là được tài trợ, quảng cáo, hoặc sưu tầm. Để ủng hộ blog, bạn có thể share những bài viết hay tới bạn bè, người thân, hoặc có thể follow Kênh YouTube của chúng tôi. Nếu cần liên hệ giải đáp thắc mắc hoặc đặt quảng cáo, vui lòng gửi mail theo địa chỉ songtoigianvn@gmail.com. Một lần nữa xin được cảm ơn rất nhiều!!!
© Copyright by CUỘC SỐNG TỐI GIẢN
Loading...