Kỹ thuật sửa áo quần Kaketsugi của người Nhật

Saturday, September 17, 2022
Edit this post


Có một tiệm sửa áo quần nhỏ nằm ở thành phố Minokamo, thuộc vùng trung tâm Nhật Bản, nơi đã tiếp nhận không biết bao nhiêu đơn đặt hàng từ khắp nơi trên cả nước. Kaketsugi, hay còn gọi là "vá vô hình", là một kỹ thật để sửa những lỗ thủng trên vải một cách hoàn hảo nhất. Áo quần sau khi được sửa sẽ trở nên như mới, bạn không thể nào biết được là nó đã từng bị sờn rách hoặc lủng lỗ.

Thực ra kỹ thuật này không chỉ tồn tại ở Nhật Bản, trái lại, nó còn có mặt ở nhiều nơi khác trên thế giới với những tên gọi khác nhau nhưng về bản chất kỹ thuật là giống nhau. Ở Việt Nam, nghề sửa đồ này được gọi là "sang sợi" nhưng số lượng người duy trì nghề này không thật sự còn nhiều. Các bạn có thể đọc thêm bài viết sau về một người phụ nữ làm nghề "sang sợi" ở Hà Nội: Người phụ nữ 42 năm làm nghề vá "kỷ niệm" giữa lòng Hà Thành.

Video "The Magic of Invisible Mending" của kênh NHK WORLD-JAPAN


Cửa tiệm này được quản lý bởi ông Kataoka Tesshu, với hơn 40 năm kinh nghiệm lão luyện, cùng cô con gái Goto Yoshiko. Cả hai đã cùng nhau nghiên cứu những mẫu vải và học cách sử dụng kim một cách chính xác để dệt vải với khoảng cách giữa các sợi chỉ là 0.1mm.


Ông Kataoka đã mài giũa kỹ thuật sửa đồ này trong hơn 40 năm. Được truyền cảm hứng từ người cha, cô Yoshiko, con gái ông, đã học kỹ thuật kaketsugi với mong muốn ban đầu là được cha công nhận khả năng của mình. Có lẽ do được thừa hưởng năng khiếu, cộng với sự rèn luyện không biết mệt mỏi mà cô đã trở nên tinh thông kỹ thuật "vá vô hình".


Ngày nay, hầu hết chúng ta đều vứt bỏ áo quần khi chúng bị hư cũ. Tuy vậy, với những món đồ mang nặng giá trị tinh thần, nhiều người lại có mong muốn chúng được sửa chữa thay vì mua mới. Đó là lúc họ tìm đến hai cha con ông Kataoka.


Với hơn 2,000 đơn đặt hàng mỗi năm, cửa tiệm nhỏ của hai cha con gần như phải hoạt động hết công suất. Với mỗi món đồ cũ được đưa tới, Yoshiko sẽ đo đạc phần vải bị hư hỏng và cố gắng tìm vật liệu thay thế, thường là vải mặt trong của chính món đồ ấy.


Sau đó cô sẽ nghiên cứu cấu trúc sợi vải trước khi tiến hành dệt phần vải thay thế vào chỗ bị hư mòn. Đây là công đoạn quan trọng nhất, đòi hỏi sự tỉ mì, kiên nhẫn, và chính xác tuyệt đối. Người thợ may phải dùng tới kính lúp soi dưới ánh đèn để đảm bảo sự hoàn hảo cho từng đường kim mũi chỉ. Thông thường, sẽ mất khoảng 40 phút cho 1cm.




Thành phẩm sau khi sửa, bạn sẽ không thể nào tìm thấy được dấu vết hư cũ

Tùy theo mức độ hư hỏng, sau khoảng một tuần, khách hàng sẽ nhận lại được thành phẩm. Hầu hết mọi người đều phải trầm trồ và thán phục một cách kinh ngạc trước tay nghề điêu luyện của Yoshiko và cha cô. Nhiều người thậm chí còn cảm thấy xúc động và vô cùng hạnh phúc khi lại tiếp tục được khoác lên mình món đồ yêu quý.


Cửa tiệm vốn chỉ là một nhà may nhỏ chuyên may quần áo theo yêu cầu. Tuy nhiên, tiệm đã sớm bị đóng cửa vì không thể cạnh tranh nổi với áo quần được sản xuất công nghiệp. Từ đó, ông Tesshu đã bắt đầu tự mày mò học kỹ thuật kaketsugi với mục đích ban đầu là để nuôi sống gia đình. Ông đã bỏ công để phân tích các mẫu vải và kỹ thuật dệt, sau đó tổng hợp chúng vào một quyển sổ tay.

Trong video phỏng vấn, ông Tesshu đã tâm sự rằng ông đã dành quá nhiều thời gian cho công việc. Điều ông hối hận nhất chính là đã không ở bên con nhiều hơn.



Quyển sổ tay với hàng trăm mẫu vãi và sơ đồ dệt đóng vai trò như một nguồn tư liệu ban đầu để Yoshiko có thể học hỏi. Cô đã miệt mài tập luyện ngày đêm để cuối cùng được cha chấp nhận trở thành một "đồng nghiệp" chính thức.


Yoshiko thậm chí còn được mời đến Mỹ để trình diễn kỹ thuật kaketsugi vào năm 2019. Trong buổi trình diễn, cô đã chọn mặc một chiếc áo khoác được may bởi chính cha mình. Dù ông chưa bao giờ nói ra nhưng đối với Yoshiko, đó là cách mà cha thể hiện rằng ông rất tự hào về cô. Cô nói: "Chiếc áo có ý nghĩa rất lớn đối với tôi, tôi sẽ trân trọng nó mãi mãi. Dù cho nó có bị sờn rách, tôi cũng sẽ sửa nó và mặc tiếp."



Người Nhật thật sự đã nâng tầm những công việc tưởng chừng đơn giản lên hàng nghệ thuật đòi hỏi rất nhiều sự nghiên cứu và học hỏi. Đây chắc chắn là một ví dụ điển hình cho câu tục ngữ "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh." Khi bạn yêu thích công việc của mình và dành một đam mê đủ lớn cho nó, công việc sẽ trở thành niềm vui và thành công sẽ tự nhiên tìm đến.

Tổng hợp và biên dịch bởi Gia Phi - Theo NHK

.
Xin vui lòng chờ đợi
Dữ liệu bài viết đang được tải về

BÌNH LUẬN

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của Cuộc Sống Tối Giản. Đây là một blog cá nhân, được lập ra nhằm mục đích lưu trữ và chia sẻ mọi thứ hay ho theo chủ quan của chủ sở hữu. Có lẽ vì vậy mà bạn sẽ thấy blog này hơi (rất) tạp nham. Mọi chủ đề đều có thể được tìm thấy ở đây, từ tâm sự cá nhân, kinh nghiệm sống, phim ảnh, âm nhạc, lập trình... Phần lớn các bài đăng trong blog này đều được tự viết, trừ các bài có tag "Sponsored" là được tài trợ, quảng cáo, hoặc sưu tầm. Để ủng hộ blog, bạn có thể share những bài viết hay tới bạn bè, người thân, hoặc có thể follow Kênh YouTube của chúng tôi. Nếu cần liên hệ giải đáp thắc mắc hoặc đặt quảng cáo, vui lòng gửi mail theo địa chỉ songtoigianvn@gmail.com. Một lần nữa xin được cảm ơn rất nhiều!!!
© Copyright by CUỘC SỐNG TỐI GIẢN
Loading...