Ký ức những ngày cuối cùng ở Bangkok

Sunday, June 06, 2021
Edit this post


Sài Gòn đang trong tình trạng lockdown khiến tôi lại nhớ về Bangkok. Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh mẽ từ tháng 3 năm ngoái, cho đến giờ đã là hơn 1 năm, ngoại trừ các quốc gia lớn và giàu có đã bắt đầu hồi phục nhưng nhìn chung tình hình toàn thế giới vẫn không mấy sáng sủa hơn. Những ngày tháng cuối cùng ở Bangkok, tôi được trải nghiệm những điều mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên. Không phải là cái gì đó quá kinh khủng, chỉ là những trải nghiệm không dễ gặp đối với tôi mà thôi.

Tôi vẫn còn nhớ đó là khoảng sau Tết Canh Tý 2020, tình hình dịch bệnh ở Bangkok lúc đó vẫn còn chưa quá nghiêm trọng. Người dân vẫn ra đường đi làm, các sự kiện lễ hội vẫn được tổ chức ở Central World gần nơi tôi làm việc, chẳng hạn như Japan Expo Thailand 2020, hay Agoda Staff Party 2020...

Bức ảnh này được chụp ngày 4/2/2020, trên đường tôi đi làm. Người dân, chủ yếu là dân văn phòng đang tiến hành dâng lễ lên nhà sư đi khất thực.

Những sự kiện đông người cuối cùng trước khi dịch bệnh bùng phát

Một bữa ăn ngày 10/2/2020 ở Food Court Big C Ratchadamri

Tôi rất nhớ những bữa ăn như thế này: Món cơm tấm Việt Nam ăn với trứng chiên và nước phở

Cuối tháng 2, tôi vẫn còn kịp đặt vé để người nhà qua Thái Lan chơi cuối tuần một lần chót. Đầu tháng 3, tôi vẫn kịp bắt chuyến bay về thăm nhà trước khi quay lại Bangkok để làm việc. Kể từ đó thì mọi việc bắt đầu đổi khác, mà đổi khác rất nhanh.

Ngày 23/3/2020, chính quyền Bangkok ban lệnh đóng cửa các trung tâm thương mại, các quầy phục vụ đồ ăn chỉ được phép bán mang về, không cho thực khách ngồi lại. Kể từ đó, Bangkok trở nên vắng lặng khác thường. Ngày thường vào Big C, nhất là cuối tuần thì 100% sẽ gặp được rất nhiều khách từ Trung Quốc, Việt Nam qua chơi. Còn Central World thì lúc nào cũng đông đúc và nhộn nhịp. Ấy vậy mà kể từ đó, tôi không bao giờ còn được thấy cảnh Bangkok sầm uất nữa.

Central World không một bóng người, điều chưa bao giờ tôi từng thấy trước đó

Bàn ghế xếp gọn trong các quầy Food Court ở Big C Ratchadamri, khách không được phép ngồi lại nữa

Vỉa hè không người qua lại



Khác với những expat khác cũng đi làm ở nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ, tôi không thuê condo hoặc apartment để ở. Thay vào đó, tôi chọn ở trong các hostel (nhà trọ giường tầng giá rẻ) chung với khách du lịch để tiết kiệm được nhiều tiền hơn, gần chỗ làm hơn, và có thể thay đổi chỗ ở bất cứ khi nào tôi muốn. Hơn nữa, vì là nhân viên của Agoda nên tôi được discount 14% khi book phòng trên app. Ngoài bất tiện duy nhất là việc phải sử dụng phòng tắm chung thì tiện nghi trong hostel cũng khá đầy đủ như wifi tốc độ cao, máy lạnh, điện nước trọn gói, nước uống, thậm chí có cả mini gym. Tôi rất hay chạy bộ nên mini gym có treadmill là quá lý tưởng. Buổi sáng khi tôi dậy đi làm thì khách vẫn còn ngủ sau một đêm vui chơi nên thường tôi không phải dành phòng tắm với ai, thoải mái đi vệ sinh và tắm rửa đầu ngày. Buổi tối làm về thì họ đã ra đường chơi hết nên tôi cũng được một mình tranh thủ vệ sinh giặt giũ tắm rửa để ngày mai tiếp tục tới sở làm.

Thời điểm này, Agoda đã cho 100% nhân viên work from home nhưng tôi vẫn thường xuyên lên công ty ngồi vì ở hostel thì không có bàn ghế để làm việc, chưa kể khó tập trung vì khách du lịch thường có giờ giấc sinh hoạt bất thường. Lên văn phòng cũng thoải mái hơn vì có máy lạnh, 2 màn hình máy tính dễ làm việc và vẫn có đội IT túc trực nên không có cảm giác quá vắng vẻ.

Một hostel ưa thích cách công ty chỉ 15 phút đi bộ, có két sắt mini riêng, phòng gym,... nhìn cũng khá sạch sẽ

Nhìn như kiểu capsule hotel của Nhật



Phòng gym mini trong hostel

Anh bạn người Thái này ở hostel nhưng vác theo cả màn hình máy tính để work from home :))

Một hostel ưa thích khác nằm trong một hẻm nhỏ của đường Sukhumvit, cách chỗ tôi đi làm tầm 2 cây số, không có phòng gym, nhìn hơi cũ kỹ một chút nhưng nệm rất êm nên ngủ rất ngon

Lúc bình thường ở hostel cũng khá ổn, luôn có đông đúc người ra vào, chủ yếu là khách du lịch, tuy cũng có lúc hơi phiền toái nếu gặp khách ồn ào hoặc ở dơ. Trong các hostel tôi hay ở thì thường gặp khách Nam Á (Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh...), người bản địa Thái, lâu lâu thì có khách tây trắng và cả khách Việt Nam. Vì tôi vốn chỉ có 2 chiếc ba lô, lại quăng cả vào locker ở công ty nên chẳng có gì để sợ mất ngoài chiếc smartphone rẻ tiền. Khách du lịch họ xài đồ còn sang hơn cả tôi, nào là iPhone, Macbook nên chẳng bao giờ tôi phải quá cảnh giác về đồ đạc.

Tuy vậy, khi dịch bệnh bùng phát thì hostel là nơi khá nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Chính bản thân tôi đã có khoảng thời gian gần 2 tuần có các triệu chứng được mô tả là giống covid-19. Dù vậy thì sau đó sức khỏe cũng bình thường trở lại nên tôi không để ý tới nữa.

Ngày thường, khách trong các hostel chỉ ở tầm 2-3 ngày là checkout, nhưng khi có dịch thì tôi gặp khá nhiều khách ở lâu, tầm 2-3 tuần tới 1 tháng trở lên. Đây là những khách vì nhiều lý do, có thể bị kẹt lại Bangkok vì đường bay đóng cửa hoặc là dân lao động bất hợp pháp v.v... 

Có hôm tôi về phòng thì gặp một cu người Ả Rập. Hắn cười nói bắt chuyện, tôi cũng lịch sự đáp lại nhưng phát hiện ra là thằng cu này... nói nhiều quá nên tôi lảng ra chỗ khác. Cũng tương tự như vậy, hắn hay bắt chuyện với các khách khác trong phòng, toàn những chuyện vu vơ không đâu vào đâu. Tay này lại thuộc dạng bám ở hostel khá lâu nên tôi thường xuyên phải chạm mặt hắn. Đến một hôm thì hắn hỏi mượn tôi 2,000 baht, dĩ nhiên tôi từ chối thẳng. Hôm khác thì hắn lại kể khổ rằng bị lừa mất điện thoại, nhờ tôi chuyển khoản các kiểu để hắn xin tiền người nhà trả lại blah blah blah... Anyway, sống lâu nên đầu cũng có chút sạn, tôi chẳng bao giờ xiêu lòng trước những lời giải thích ấy.

Một hôm, có một bạn Hà Nội vào ở trọ, hắn mượn bạn tiền và bạn đồng ý luôn. Lúc ấy tôi không có mặt để cản lại, nhưng chiều đi làm về thì nghe bạn kể lại. Tôi nghĩ 99% là bạn mất tiền rồi, nhưng sau hôm ấy cũng không gặp lại bạn nữa vì tôi phải đi làm, còn bạn thì dọn đồ để bay về Việt Nam. Thấy bạn về tôi cũng nao lòng. Cái cảm giác một mình kẹt lại ở một đất nước khác quả thật rất kỳ lạ, nhất là khi không có ai nói chung ngôn ngữ với mình.

Ngày 24/3/2020, sảnh hostel nơi tôi ở tiến hành niêm phong và khóa luôn cửa trước, những nơi vốn luôn có bóng dáng người qua lại giờ đây lạnh lẽo tới rợn người

Rồi có hôm tôi ở chung phòng với một gã người Nga nhưng gã này kiểu rất không biết điều, 2-3 giờ sáng mà cứ nói chuyện điện thoại oang oang khiến tôi bực quá phải dậy to tiếng với gã. Được khoảng một tuần thì hắn trả phòng đi đâu mất. Tưởng thoát nạn nhưng "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa", tôi lại ở chung với một thằng người Mông Cổ khác còn tệ hơn thế, ngày méo nào cũng gọi điện từ sáng tới khuya tâm sự với con ghệ nào ở quê nhà. Cũng vì vậy mà tôi ác cảm luôn mỗi khi nghe tiếng Mông Cổ. Cuối cùng chịu không nổi tôi phải xin chuyển phòng khác.

Nói chung ở hostel thì gặp đủ mọi thành phần và hạng người. Thời điểm dịch còn chưa quá nặng nề, có hôm đi làm về mà không biết ở đâu toàn khách Ấn Độ chiếm nguyên 2-3 phòng. Mà tụi khách này còn khá trẻ trâu nên cực ồn ào. Buổi tối chúng nó cãi nhau rồi đánh nhau ầm ĩ không cho ai ngủ. Rồi có hôm tôi ở chung với 3 khách Ấn Độ khác không biết thuộc bang nào mà nhìn... đen thui và không biết nói tiếng Anh, nhưng lại rất thích bắt chuyện với... tôi. Anyway, mỗi khi cảm thấy không ổn thì tôi lại trả phòng và dọn đi chỗ khác nên trong suốt 1 năm ở Thái, không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra.

Sau đó thì các chuyến bay bắt đầu bị hoãn hủy hàng loạt. Qua tới giữa tháng 3 thì tất cả các chuyến bay thăm nhà mà tôi đã đặt trước đó với Vietjet đều bị hủy và được hoàn tiền nhưng thời gian chờ lên tới gần 100 ngày, và cũng phải tốn gần chục cuộc điện thoại hỏi han thúc ép mới xong.

Góc nhỏ đầu giường ở hostel :D

Cuối tháng 3, cụ thể là ngày 28/3, khi tình hình dịch bệnh đã trở nên khá căng thẳng thì tôi quyết định dọn sang Nonthaburi ở chung với một người bạn trước đây làm cùng công ty cũ. Bạn qua đây công tác, được công ty thuê cho một căn mini condo nên tôi dọn vào vừa để tránh dịch, vừa để có bạn bè đỡ buồn. Phần lớn thời gian làm việc ở Thái Lan, trừ những lúc lên văn phòng, còn lại tôi hầu như chỉ có một mình do bộ phận kỹ thuật mà tôi làm hầu như không có người Việt Nam. Thỉnh thoảng tôi cũng có đi ăn trưa chung hoặc được rủ ra ngoài hút thuốc với một số đồng nghiệp Ấn Độ (không hiểu sao tôi rất có duyên với dân Nam Á, đặc biệt là Ấn Độ). Cuối tuần tôi thường lên công ty để ngồi tự học hoặc làm việc, tự nhủ cố gắng cày 1 năm thì sẽ về nước với gia đình.

Bữa bia đầu tiên với một người bạn Việt Nam sau một thời gian chỉ thui thủi một mình


Tôi ở với bạn được khoảng 2 tháng. Thời gian này ngày nào chúng tôi cũng nghe ngóng tin tức về các chuyến bay trở lại Việt Nam nhưng khá vô vọng. Theo kế hoạch ban đầu thì bạn tôi sẽ công tác tới hết tháng 5 rồi về nước nhưng vì chuyến bay cứ liên tục bị hoãn hủy nên mãi tới đầu tháng 8 bạn vẫn chưa về được.

Ngày 18/5/2020, CEO của Agoda bất ngờ thông báo sẽ sa thải 1,500 nhân viên vì tình hình kinh doanh thua lỗ, công ty buộc phải cắt giảm nhân sự để cầm cự. Tôi may mắn không nằm trong số những người bị sa thải nhưng đó cũng là một trong những trải nghiệm khó quên. Bạn cứ tưởng tượng cuối tuần đó vẫn rất bình thường, không có bất cứ một tin đồn nào dù là nhỏ nhất. Tới thứ Hai khi mọi người vẫn đang làm việc như mọi ngày thì bất thình lình 4h chiều nhận được mail của CEO yêu cầu tất cả vào link livestream ngay lập tức. Và đó là lúc ông ngậm ngùi đưa ra thông báo. Tất cả mọi người đều vô cùng hoang mang và bất ngờ. Những ai bị sa thải sau livestream sẽ nhận được mail thông báo kèm theo đền bù 2 tháng lương và hỗ trợ các thủ tục visa nếu là người nước ngoài.


Cuối tháng 5 đầu tháng 6, công ty thông báo văn phòng mở cửa nên tôi quay lại Bangkok, về lại một hostel cũ nằm gần bờ sông mà tôi thường ở trước đây. Lúc này hostel đã đổi chủ vì quá ế ẩm, chủ mới là 2 chị em người Pakistan. Cả hostel khách chỉ còn có mình tôi và anh bạn người Thụy Điển, khác hẳn với cảnh luôn "cháy" phòng trước đây. Cậu bạn Thụy điển này cũng đang bị kẹt ở Bangkok và chờ chuyến bay về nước. Tuy nhiên, anh bạn này không ở lại lâu, tầm 1 tuần thì cậu dọn ra ở trong 1 căn mini condo khác. Chưa bao giờ tôi cảm thấy... sợ ma như lúc này khi mà có hôm nguyên cái hostel chỉ có tôi là người khách duy nhất, nhân viên họ cũng không ở lại trực đêm như trước vì không có khách, nên chỉ tầm 7 giờ tối là họ tắt đèn đóng cửa và đi về.

Mỗi khi nhìn bức ảnh này, tôi lại rất nhớ những tháng ngày làm việc ở Bangkok

Lối đi nhỏ dọc bờ sông dẫn vào hostel

Ngày trở lại văn phòng, công ty phát cho mỗi người một bộ kit phòng chống dịch

Sau đó thì cũng có thêm 1-2 người khách ra vô lai rai, lúc thì là một gã người Úc, lúc thì là một anh bạn Canada, nhưng cũng chỉ tầm vài hôm là họ lại dọn đi nơi khác. Hostel lúc này vì quá ế nên đã tung ra các gói ở theo tháng, tầm 5,000-6,000 baht/tháng nhưng tình hình cũng không khả quan hơn mấy. Thậm chí khi đã về lại Việt Nam, tôi lên trang Facebook của hostel để theo dõi thì thấy họ thậm chí giảm giá ở tháng chỉ còn 3,000 baht/tháng cho phòng đơn chứ không phải giường tầng.

Một hôm tôi đi làm về thì thấy giường bên dưới (tôi luôn chọn giường trên vì lý do an toàn) quây lại như cái chuồng như thế này (hình dưới). Té ra là một vị khách mới dọn vô. Đó là một cô người Thái tầm 40 tuổi, cô sẽ ở đây ít nhất là 1 tháng. Tôi không nhớ chính xác tên cô là gì, chỉ biết là cô nói được tiếng Anh, khá vui tính và (tôi nghĩ) cô là người tốt bụng. Nhà cô ở cách Bangkok khá xa. Cô kể chị cô ở nhà đang cho 4 người Việt Nam bị mắc kẹt tá túc miễn phí. Cô có một đứa con gái nhỏ nhưng đã mất từ lâu. Những lúc rảnh rỗi tôi thấy cô hay lên chùa hoặc đi đâu đó. Tôi không nói chuyện với cô nhiều nhưng cảm giác có người trong phòng cũng yên tâm và đỡ sợ ma hơn.

Trước đây cô lên Bangkok để làm nhân viên trong các tiệm mát-xa của người Thái chuyên phục vụ cho khách du lịch. Giờ thì các tiệm mát-xa đều đóng cửa nên cô vào chợ để bán quần áo, lãnh thêm ít tiền cầm cự qua cơn dịch. Đúng là khi đại dịch xảy ra thì cho dù là ở đâu, những người lao động thu nhập thấp vẫn là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Hú hồn hà

Vài hôm sau thì có thêm một anh bạn Brazil dọn vào. Anh chàng này đã đi lang thang 5 năm, cứ hết nước này thì lại qua nước khác. Anh ta chỉ tôi lên một trang web chuyên để kiếm việc làm thời vụ cho khách du lịch. Anh ta chuyên làm những công việc ngắn hạn để kiếm sống, trải nghiệm, rồi lại lên đường. Anh chàng này nói chuyện cũng khá vui vẻ và lịch sự. Một đêm nọ, anh ta về phòng nói đã kiếm được việc làm mới ở Thổ Nhĩ Kỳ rồi trả phòng và dọn đồ đi ngay lập tức, nói là phải bắt chuyến bay trong đêm. Tôi khá tò mò vì lúc này hầu hết các chuyến bay đã bị hủy. Anh ta nói là vẫn còn một chuyến bay đi khỏi Thái Lan, và anh ta sẽ phải có mặt trên chuyến bay đó. Anh ta nói vậy thì tôi biết vậy. Trước khi đi, anh chàng cho tôi và cô người Thái mỗi người một quả táo. Kể từ đó, tôi không gặp lại anh bạn này nữa.

Quả táo anh bạn Brazil cho tôi trước khi từ biệt

Buổi trưa và tối tôi thường ghé chỗ này mua đồ ăn. Cô này hình như người Lào.


Món cơm trứng thịt bằm cay quen thuộc

Đầu tháng 7, tôi hoàn tất nghỉ việc ở Agoda, làm thủ tục cancel visa và đăng ký chờ thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam về chuyến bay hồi hương. Lúc này tôi cũng bắt liên lạc được với cô Liên, cô bằng tuổi mẹ tôi, cũng là một trong những người Việt Nam bị mắc kẹt tại Thái Lan.

Tôi tạm biệt cô người Thái và lại dọn sang nhà người bạn ở Nonthaburi và chờ đợi. Quãng thời gian này quả thật khá mệt mỏi vì không có việc gì làm, mà đầu óc thì lúc nào cũng mong ngóng kết quả chờ được về nước. Để ổn định tinh thần, tôi thường tập thể dục, ngồi thiền, những lúc rảnh rỗi thì tôi tranh thủ học các course online về coding. Vì nghỉ việc nên laptop phải trả lại cho công ty. Không có laptop cá nhân để xài thì quả thật cũng khó chịu vì không có gì làm. Cũng may cái khó ló cái khôn, tôi kết nối điện thoại với bàn phím và chuột bluetooth, vậy là có thể tiếp tục tạm sống sót qua quãng thời gian khó khăn này rồi.

Kết nối điện thoại với chuột và bàn phím bluetooth, vậy là tôi tạm có một chiếc "laptop" dã chiến để học online, đọc tin tức, và liên lạc với gia đình

Tôi còn một người bạn khác tên T. cũng làm trong ngành IT đã ở Thái gần 4 năm, đã mua nhà và đang chung sống với một cô bạn gái người Thái. Đó cũng là một người bạn từng học chung trường đại học và từng làm chung công ty cũ. Anh bạn này mua một căn nhà nhỏ ở Nonthaburi, gần chỗ tôi tá túc. Cuối tuần, thỉnh thoảng bạn gọi tôi sang tổ chức tiệc chung với các đồng nghiệp cùng công ty của bạn. Nhờ vậy, tôi cũng đỡ buồn và bớt căng thẳng hơn.

Cuối tuần, tôi qua nhà người bạn cũ ở Nonthaburi, cùng nướng BBQ, uống bia, và trò chuyện với những đồng nghiệp nước ngoài làm chung công ty với cậu bạn ấy

Đây là món xí quách chua cay ăn với cơm. Tôi khá thích món này và thường thưởng thức nó trong những ngày cuối ở Nonthaburi.

Món kem sữa này của Dairy Queen ăn cực kỳ ngon, tới giờ nghĩ lại vẫn còn thòm thèm

Tôi cũng bắt được liên lạc thêm với một số bạn khác trong nhóm hành khách đăng ký với Đại sứ quán về Việt Nam. Chúng tôi thường liên lạc với nhau, chia sẻ và cập nhật tin tức, động viên nhau để chờ được tới ngày về nước. Vì quá sốt ruột và kẹt tiền, một số người đã chấp nhận rủi ro để theo các chuyến đi chui vượt biên về nước thông qua đường Lào.

Ảnh chụp màn hình thông tin đi chui về Việt Nam được một bạn trong nhóm hành khách chia sẻ

Cuối tháng 8, tôi gặp Lãm (một bạn trong nhóm hành khách) và cô Liên ở Central World. Chúng tôi cùng nhau đi ăn, nói chuyện và hẹn sẽ đi chung một chuyến bay về Sài Gòn. Tuy vậy, vì một số diễn biến bất ngờ mà tôi và Lãm đã lên chuyến bay về Hà Nội ngày 2/8/2020 trước và cùng cách ly ở Vĩnh Phúc. Cô Liên bay chuyến sau đó vào đầu tháng 9, cách ly cũng ở ngoài Bắc.

Đền Erawan, từng bị đánh bom vào năm 2015, rất gần Central World nơi Agoda đặt văn phòng

Bây giờ khi đang ngồi gõ những dòng này thì tôi đã về nước được 10 tháng và tiếp tục work from home. Ở nhà thật sự rất thoải mái và vui vẻ. Tuy vậy, đôi khi nhớ về những ngày tháng cũ ở Bangkok, nhiều cảm xúc khó tả vẫn tìm đến. Ước mong một ngày nào đó, tôi có thể quay lại Bangkok để ghé thăm những con đường cũ, những nơi tôi từng ở, những hàng quán tôi từng ăn. Cảm ơn Bangkok vì đã là một phần trải nghiệm trong cuộc đời của tôi.

.
Xin vui lòng chờ đợi
Dữ liệu bài viết đang được tải về

BÌNH LUẬN

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của Cuộc Sống Tối Giản. Đây là một blog cá nhân, được lập ra nhằm mục đích lưu trữ và chia sẻ mọi thứ hay ho theo chủ quan của chủ sở hữu. Có lẽ vì vậy mà bạn sẽ thấy blog này hơi (rất) tạp nham. Mọi chủ đề đều có thể được tìm thấy ở đây, từ tâm sự cá nhân, kinh nghiệm sống, phim ảnh, âm nhạc, lập trình... Phần lớn các bài đăng trong blog này đều được tự viết, trừ các bài có tag "Sponsored" là được tài trợ, quảng cáo, hoặc sưu tầm. Để ủng hộ blog, bạn có thể share những bài viết hay tới bạn bè, người thân, hoặc có thể follow Kênh YouTube của chúng tôi. Nếu cần liên hệ giải đáp thắc mắc hoặc đặt quảng cáo, vui lòng gửi mail theo địa chỉ songtoigianvn@gmail.com. Một lần nữa xin được cảm ơn rất nhiều!!!
© Copyright by CUỘC SỐNG TỐI GIẢN
Loading...