Hướng dẫn tận dụng laptop cũ làm camera giám sát từ A-Z

Sunday, September 13, 2020
Edit this post


Nhân ngày Chủ nhật có chút thời gian rảnh, mình bắt tay thực hiện project này. Mình có một con laptop Lenovo cũ tầm hơn 5 năm tuổi, không mấy khi xài, thỉnh thoảng hay mở lên để down torrent, còn lại thì bỏ túi cất. Khổ cái là con laptop này rất bền, hư thì không chịu hư, mà bán thì lại khó vì nhìn nó đã quá cũ, cấu hình thì cũng đã lỗi thời (Core i3, HDD, Ram 4Gb) nên không ai muốn mua. Thế nên mình quyết định tận dụng em nó cho 3 mục đích: tải torrent (1), làm camera giám sát (2), làm ổ đĩa mạng LAN (3) để chia sẻ và lưu trữ video, phần mềm cho các máy khác trong mạng nội bộ. Cũng là dịp để mình tìm hiểu và thực hành các kiến thức mạng sơ đẳng.


(1) và (3) thì dễ rồi. Để tải torrent thì mình cài Coccoc rồi cứ lên trang Rarbg mà tải thôi, nhanh gọn lẹ. (3) cũng dễ, cứ nhấn chuột phải vào ổ đĩa D rồi chọn Sharing là xong. Chỉ có (2) thì hơi nhiều thao tác một chút. Vậy nên mình ghi lại ở đây cho bạn nào có nhu cầu vọc vạch, cũng là để ghi lại cho chính mình luôn. Dĩ nhiên, việc làm này chỉ mang tính "em yêu khoa học" là chính vì camera laptop đời cũ thường độ phân giải không cao và góc nhìn cũng khá hẹp, không thể nào so được với các loại camera chuyên nghiệp, cài đặt dễ dàng đang được bán tràn lan trên thị trường.


Yêu cầu cơ bản

Camera của laptop phải work được như một IP camera, tức là bạn có thể truy cập vào camera mọi lúc mọi nơi ở bất cứ đâu, miễn là có mạng Internet.


Về phần cứng:

  • Laptop cũ của bạn phải có sẵn camera, nếu không thì bạn có thể mua Camera rời gắn thêm vào.

Về phần mềm (để cài trên lap cũ):

Cấu hình IP tĩnh cho camera (laptop cũ)

Để hiểu mục đích của việc làm này, các bạn có thể xem hình bên dưới. Về cơ bản, chúng ta có 2 loại IP là Public IP và Private IP. IPv4 là một dãy 4 số có dạng xxx.xxx.xxx.xxx, còn IPv6 là một dãy 6 số. Public IP là IP được sử dụng trong thế giới Internet. Ví dụ khi bạn vào Internet, router nhà bạn sẽ được nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) (Viettel chẳng hạn) cấp cho 1 random Public IP như 169.215.20.19. Khi bạn truy cập Facebook từ điện thoại đã kết nối vào mạng của router, IP 169.215.20.19 sẽ gửi request tới máy chủ Facebook, và máy chủ Facebook sẽ gửi trả trang Facebook về địa chỉ IP169.215.20.19. Sau đó, router sẽ biết chính xác thiết bị nào kết nối tới router gửi yêu cầu và trả trang Facebook về cho thiết bị đó. Khi bạn tắt router thì IP này sẽ được ISP thu hồi và cấp cho người khác, khi bạn bật router lên thì có thể router nhà bạn sẽ được cấp IP mới. IP này được gọi là IP động (dynamic IP) vì nó thay đổi chứ không cố định.

Như vậy, các thiết bị cùng kết nối vào 1 mạng Wifi của 1 router khi tự check public IP sẽ đều chỉ có 1 public IP duy nhất, là IP được ISP cấp cho router. Để quản lý các thiết bị kết nối tới nó, router sẽ cấp tiếp các IP random thường có dạng 192.168.1.2, 192.168.1.3... tới mỗi thiết bị follow theo default gateway IP của router (như router của mình có default gateway là 192.168.1.1). Thiết bị nào ngắt mạng và kết nối lại thì sẽ có khả năng được router cấp IP mới. Nếu mỗi lần bạn bật laptop lên mà IP lại bị đổi thì bạn sẽ phải mất công cấu hình lại nên tốt nhất là cấp luôn cho nó một IP tĩnh để thuận tiện về sau.


Trong Windows 10, để cấu hình IP tĩnh, bấm chuột phải vào biểu tượng mạng trên thanh Taskbar, chọn "Open Network & Internet settings".

Click chọn "Change Adapter options". Vì mạng nhà mình chỉ dùng Wifi nên mình bấm chuột phải vào Wifi adapter chọn Properties.

Chọn "Internet Protocol Version 4 (TCP/IPv4). Bấm vào "Properties".

Mình chọn IP tĩnh là "192.168.1.99". "Default Gateway" thì các bạn có thể mở cmd gõ lệnh "ipconfig /all" để check. Các giá trị còn lại thì cứ chọn như trong hình.

Cài đặt Yawcam

Yawcam là một ứng dụng utilize camera laptop, biến nó trở thành một camera giám sát đích thực. Hiện Yawcam chỉ có phiên bản cho Windows. Cài Yawcam thì rất đơn giản, chỉ cần tải file cài về máy rồi mở lên bấm Next thôi. Để chạy được Yawcam thì máy bạn cần phải được cài sẵn JDK 8 trở lên. Ngoài Yawcam thì còn một số ứng dụng khác cũng có thể đảm nhận chức năng tương tự, các bạn tự tìm hiểu thêm.

Sau khi cài đặt thành công, mở Yawcam lên và enable "Stream". Tùy chọn này cho phép camera laptop có thể live stream hình ảnh liên tục theo thời gian thực.

Chọn "Windows > Preview" để xem thử hình ảnh. Nếu không thấy gì chọn lại cho đúng nguồn camera như trên.

Vào "Settings > Output > Http" các bạn sẽ thấy Yawcam đã pick IP tĩnh mặc định 192.168.1.99 mà mình đã cấu hình ở bước trên. Mặc định, Yawcam dùng port 8888 cho Http.

Vào "Connection" các bạn có thể thấy được Public IP của laptop.

Mặc định, Yawcam dùng port 8081 để live stream hình ảnh.

Các bạn có thể cài đặt mật khẩu cho live stream để đảm bảo không phải ai cũng có thể xem được camera của bạn.

Các bạn có thể chọn tự động bật Stream khi mở app Yawcam.

Cuối cùng, hãy mở trình duyệt vào địa chỉ http://192.168.1.99:8081 để xem thử live stream. Dĩ nhiên, đây là Private IP nên URL này chỉ có thể hoạt động được nội bộ giữa các thiết bị cùng kết nối vào router nhà bạn. Để có thể xem được live stream này từ bất kỳ đâu và bất kỳ mạng nào, chúng ta hãy đến với các bước tiếp theo.

Cấu hình DNS cho Public IP nhà bạn

Ở bước này, nếu bạn đã bật tùy chọn UPnP trong router của mình lên thì rất có khả năng bạn đã có thể xem được live stream camera từ mạng bất kỳ nhờ vào URL http://169.215.20.19:8081 (Public IP này là ví dụ thôi nhé). Nếu chưa thì cũng không sao, cứ kéo xuống đọc tiếp.

Như đã nói ở trên thì Public IP của router có thể thay đổi theo thời gian hoặc khi bạn bật/tắt router. Không lẽ mỗi lần Public IP thay đổi, chúng ta lại phải check thủ công rồi tự cập nhật lại? Ở đây, mình sẽ đăng ký một hostname trỏ vào Public IP của mình, khi Public IP của mình thay đổi, hostname sẽ tự động cập nhật lại theo địa chỉ IP mới của router.

Dịch vụ mà mình sử dụng là của noip.com. Các bạn chỉ cần truy cập vào trang này và đăng ký một account miễn phí. Với account miễn phí thì các bạn chỉ có thể tạo tối đa 3 hostname và mỗi hostname sẽ expire sau 30 ngày.

Sau khi đăng nhập vào account No-IP. Hãy vào Dashboard, nhấn vào "Create Hostname" và tạo một hostname tùy thích. Chọn Type A. "IP/Target" chính là Public IP hiện tại của router nhà bạn. Như trong hình thì tôi chọn hostname có dạng "xxxxx.ddns.net".

Sau đó, tiếp tục tải về ứng dụng DUC (Dynamic Update Client) từ địa chỉ https://my.noip.com/#!/dynamic-dns/duc. DUC sẽ tự động check Public IP của router nhà bạn, nếu có thay đổi sẽ tự động map hostname bạn đã tạo với Public IP mới.

Mở DUC lên, chọn "Edit" để đăng nhập vào account No-IP. Bấm "Edit Hosts" để chọn hostname mà bạn muốn map với Public IP. Vậy là xong!


Có thể vào "Preferences" của DUC để cấu hình cho ứng dụng tự động được launch mỗi khi khởi động laptop.

Cấu hình Port Forwarding cho router

Và đây là bước cuối cùng rất quan trọng. Mục đích của bước này là để khi mình truy cập vào địa chỉ http://xxxxx.ddns.net:8081 thì router sẽ forward về địa chỉ http://192.168.1.99:8081 (địa chỉ Private IP tĩnh mà mình đã check ở bước cài đặt Yawcam). Như đã nói ở trên vì tất cả các thiết bị "phía sau" router của bạn đều mang chung 1 public IP, vậy nên chúng ta cần phải forward request tới đúng thiết bị camera mà chúng ta cần sử dụng.

Vì default gateway của router nhà mình là 192.168.1.1 nên mình mở trình duyệt vào địa chỉ http://192.168.1.1. Tại đây, mình sẽ được dẫn vào trang admin của router.

Mình xài mạng Viettel, dùng router của ZTE. Thông tin tên đăng nhập/mật khẩu mặc định có thể được tìm thấy ở dưới đáy của router.

Enable UPnP lên trước

Tiếp theo, vào "Port Forwarding" tạo 1 record mới cho Http, port 8888 nếu cần. Địa chỉ IP trỏ về là 192.168.1.99 tĩnh mà mình đã cấu hình cho laptop.

Tương tự, tạo 1 record cho port 8081 live streaming như trên.

Tới đây là đã xong, hãy mở trình duyệt lên vào địa chỉ http://xxxxx.ddns.net:8081 để check xem camera hoạt động ngon lành chưa nhé. Chúc các bạn thành công!!!

.
Xin vui lòng chờ đợi
Dữ liệu bài viết đang được tải về

BÌNH LUẬN

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của Cuộc Sống Tối Giản. Đây là một blog cá nhân, được lập ra nhằm mục đích lưu trữ và chia sẻ mọi thứ hay ho theo chủ quan của chủ sở hữu. Có lẽ vì vậy mà bạn sẽ thấy blog này hơi (rất) tạp nham. Mọi chủ đề đều có thể được tìm thấy ở đây, từ tâm sự cá nhân, kinh nghiệm sống, phim ảnh, âm nhạc, lập trình... Phần lớn các bài đăng trong blog này đều được tự viết, trừ các bài có tag "Sponsored" là được tài trợ, quảng cáo, hoặc sưu tầm. Để ủng hộ blog, bạn có thể share những bài viết hay tới bạn bè, người thân, hoặc có thể follow Kênh YouTube của chúng tôi. Nếu cần liên hệ giải đáp thắc mắc hoặc đặt quảng cáo, vui lòng gửi mail theo địa chỉ songtoigianvn@gmail.com. Một lần nữa xin được cảm ơn rất nhiều!!!
© Copyright by CUỘC SỐNG TỐI GIẢN
Loading...