Xin chào các bạn, đã tự hứa sẽ viết một bài review ngay sau khi có kết quả H1B. Cuối cùng thì sau hơn 14 tháng chờ đợi mòn mỏi, tôi đã có thể thực hiện được lời hứa này. Hôm nay tôi xin được chia sẻ tới các bạn "câu chuyện đời tôi" trong hành trình đến với giấc mơ Mỹ. Qua chuyện này, tôi cũng hiểu được rằng, cuộc đời mình không phải lúc nào cũng may mắn.
1. Visa H1B là gì?
H1B là loại visa có tài trợ từ công ty (sponsor) dành cho lao động trình độ cao để làm việc ở Mỹ. Thời hạn của visa H1B là 3 năm, có thể được gia hạn (renew) một lần nữa nên có tổng thời gian là 6 năm. Mỗi năm có khoảng 85.000 quota cho visa H1B, trong đó 20.000 chỗ là dành riêng cho học vị tiến sĩ, thạc sĩ, 6.000 chỗ cho riêng công dân Singapore và Chile, phần còn lại là cho các quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tuy vậy, số lượng đơn nộp vào luôn khá lớn, có những năm lên tới hơn 200.000 hồ sơ. Vậy nên, Sở di trú Mỹ (USCIS) mới bổ sung thêm một vòng quay xổ số (lottery) để chọn ra các hồ sơ may mắn nhất vào vòng xét duyệt. Sau khi pass xổ số, hồ sơ sẽ tiếp tục được xem xét bởi các nhân viên của USCIS, nếu được chấp thuận, bạn sẽ nhận được approval notice, nếu bị từ chối, bạn sẽ nhận được thông báo denial notice, nếu cần bổ sung giấy tờ, bạn sẽ nhận được RFE (request for evidence) và tiếp tục chờ đợi xem hồ sơ của mình cuối cùng sẽ được approve hay bị deny.
2. Xin visa H1B có khó không?
Câu trả lời là hên xui tùy theo từng trường hợp cụ thể. Vì có người làm thì khá nhanh và dễ, nhưng cũng có những trường hợp vừa lâu, vừa chậm mà kết quả lại không như ý (ý nói trường hợp của tôi đó, hehe). Nhưng dẫu sao, một khi đã được chọn làm H1B thì ít nhiều bạn cũng có duyên với nước Mỹ và có lẽ cũng nhen nhóm hy vọng vào giấc mơ Mỹ.
3. Câu chuyện đời tôi
Trước khi vào vấn đề chính, tôi xin kể một chút về background đi làm của tôi. Tôi vốn là dân tỉnh lẻ, lên Sài Gòn đi học rồi ở lại tới giờ. Tôi tốt nghiệp đại học vào cuối năm 2012, lúc đó tôi đang làm lập trình viên cho một công ty nhỏ trên thành phố. Sau khi có bằng tốt nghiệp, tôi nghỉ việc và xin vào một tập đoàn phần mềm lớn, chuyên làm gia công phần mềm (outsource). Qua thời gian thử việc, tôi được nhận vào làm cho mảng khách hàng Âu Mỹ nhờ điểm TOEIC tương đối khá. Tuy vậy, thời gian đầu khá chật vật vì muốn vào dự án của khách hàng Âu Mỹ, họ bắt buộc phải phỏng vấn người trực tiếp. Thời điểm đó, tiếng Anh giao tiếp lẫn kỹ năng chuyên môn còn kém nên tôi bị rớt phỏng vấn liên tục, trụ chưa được 5 phút là bị đuổi ra khỏi cuộc phỏng vấn.
Không nản chí, tôi tự học trong 6 tháng để trau dồi chuyên môn và tiếng Anh. Sau một cuộc phỏng vấn kéo dài 30 phút với một nữ khách hàng, tôi cuối cùng cũng đã thành công và được nhận vào làm Java backend developer cho một dự án của một khách hàng rất lớn ở Mỹ (chuyên về mạng viễn thông và truyền hình số). Sau 2 năm, tôi được cử đi Mỹ công tác lần đầu tiên cho dự án. Xui xẻo thay, sau khi về Việt Nam, dự án tôi đang làm bị cắt giảm nên tôi bị chuyển qua làm cho khách hàng Nhật trong 3 tháng. Thời gian này phải OT (làm thêm giờ) khá nhiều và vất vả, có những ngày phải ở lại công ty tới tận 10 giờ tối.
Sau đó, tôi tiếp tục pass phỏng vấn một lần nữa và được nhận vào lại dự án Mỹ. Lúc này tôi không còn làm lập trình viên (developer) nữa mà chuyển hướng sang làm Automation QA (lập trình kiểm thử tự động). Nhờ chịu khó giao tiếp và hỗ trợ cho khách hàng, tôi được tin tưởng lead team và tiếp tục được cử sang Mỹ vào các năm 2017 và 2018. Đó cũng là giai đoạn thăng hoa nhất trong cuộc đời đi làm của tôi.
Cuối năm 2017, mọi chuyện như một giấc mơ khi tôi được chọn vào danh sách được tài trợ làm visa H1B của công ty. Cũng từ đây, có rất nhiều chuyện đã xảy ra.
4. Tôi đã làm H1B như thế nào?
Ngày 23/12/2017, tôi nhận được email yêu cầu chuẩn bị giấy tờ để chuẩn bị làm hồ sơ H1B. Cụ thể, tôi phải nộp bản sao bằng đại học và bảng điểm (phải được dịch công chứng sang tiếng Anh), kèm theo CV và một số giấy tờ khác như hộ chiếu, visa v.v... Bằng đại học của tôi đã được dịch song ngữ sẵn, còn bảng điểm thì phải thuê dịch công chứng mất 300.000đ.
Tưởng đến đây đã xong, nhưng ngày 8/2/2018, tôi nhận được thông tin hồ sơ của tôi bị từ chối vì một lý do chung chung là "không đạt yêu cầu" nên không được làm tiếp. Tưởng đã hết hy vọng, tôi cũng không để ý nữa. Tuy vậy, đến ngày 26/2/2018, tôi lại nhận được thông tin hồ sơ của tôi đã được chấp nhận, sẽ được gửi đi để tham gia vòng xổ số. Nguyên nhân sâu xa tôi được biết sau đó là do tranh chấp nhân lực giữa công ty ở Việt Nam và chi nhánh công ty ở Mỹ.
Thông báo pass xổ số tôi nhận được vào ngày 31/5/2018 cùng hướng dẫn quy trình tiếp theo |
Sau khi gửi giấy tờ cho luật sư, phải gần 5 tháng sau đó, tức ngày 31/5/2018, tôi mới nhận được thông báo hồ sơ của mình đã được chọn qua vòng xổ số, một sự may mắn không ngờ. Thời điểm này, khách hàng của dự án cũng rục rịch request tôi đi qua Mỹ làm việc dài hạn, và tất cả đều trông chờ vào kết quả H1B của tôi. Giai đoạn này, tôi cũng đang ở Mỹ công tác dưới hình thức ngắn hạn nhờ visa B1/B2.
Đọc thêm Trải nghiệm xin visa B1/B2 tại Sài Gòn và Hà Nội
Không may, cuối tháng 6/2017, dự án bị cắt toàn bộ người ở Việt Nam, tôi được thuyên chuyển qua một dự án khác cũng của khách hàng đó, hy vọng vẫn còn. Nhưng họa vô đơn chí, 2 tháng sau, vì lý do chính trị và bảo mật, khách hàng quyết định cắt toàn bộ dự án với Việt Nam, tôi rơi vào cảnh không có dự án, phải bắt đầu lại từ đầu khi đã gắn bó với khách hàng này tới hơn 5 năm. Giờ thì không có gì hơn ngoài những lời hứa hẹn.
Thời điểm đó, tôi thực sự rất muốn nghỉ việc để đi tìm cơ hội mới, nhưng vẫn lấn cấn vì visa chưa có kết quả cuối cùng. Tôi không tiếc visa, chỉ cảm thấy áy náy vì công ty đã bỏ ra một số tiền lớn để làm visa cho mình (theo tôi biết là từ 5 đến 10 ngàn đô Mỹ) nên không thể bỏ ngang được. Trong lúc chờ đợi, tôi được điều đi hỗ trợ cho một dự án phần mềm của Singapore, làm tạm qua ngày.
Thông báo RFE tôi nhận được vào ngày 24/1/2019 |
Giai đoạn ngay trước Tết Kỷ Hợi, lúc này một số người làm H1B cùng đợt với tôi đã có approval notice, tức là hồ sơ được chấp thuận, riêng tôi vẫn chưa có nên khá sốt ruột. Ngày 15/1/2019, tôi nhận được thông tin hồ sơ của mình bị RFE (request for evidence), do USCIS có một số concern gì đó không rõ. Dù rất thất vọng nhưng ngay trong Tết, tôi vẫn bỏ ra một ngày để bổ sung giấy tờ gửi gấp cho công ty bên Mỹ để xử lý và tiếp tục chờ đợi.
Thông báo hồ sơ H1B của tôi đã bị từ chối |
Một tháng sau đó, lúc này sự kiên nhẫn đã tới giới hạn cuối, tôi nộp đơn xin nghỉ việc nhưng được thuyết phục ở lại để phỏng vấn cho một khách hàng lớn khác cũng của Mỹ. Xui sao, ngày hôm đó tôi bị sốt cao, khách hàng hẹn 10 giờ đêm phỏng vấn qua Skype, tôi lồm cồm bò dậy phỏng vấn trong 1 tiếng đồng hồ, dù không ở phong độ tốt nhất nhưng cuối cùng khách hàng vẫn thích và chấp nhận để tôi vào dự án. Tuy vậy, H1B vẫn là thứ lấn cấn duy nhất trong lòng tôi. Đúng 11 giờ đêm ngày 12/3/2019, tôi nhận được email từ USCIS rằng hồ sơ của mình đã bị từ chối, chính thức chấm dứt hơn 442 ngày đợi chờ ròng rã, có những lúc gần như tuyệt vọng.
Kết quả bị từ chối trên trang web của USCIS |
Kết
Nếu bạn hỏi tôi có buồn không thì câu trả lời là Không. Có lẽ vì phải chờ đợi quá lâu nên cảm xúc đã bị chai lì. Tôi chỉ tiếc quãng thời gian 14 tháng hơi lãng phí khi lẽ ra mình đã có thể đến được với những cơ hội khác. Dẫu sao, điều này cũng mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm và hiểu biết mới mẻ. Giờ đây, tôi cảm thấy thực sự nhẹ nhõm để có thể bắt đầu cho mình một hành trình mới. Sự thay đổi mới có thể tốt, có thể xấu nhưng trước mắt cứ phải thay đổi đã, vì nếu không dám thay đổi thì làm sao có thể biết được? Tôi cũng rất cảm ơn những công ty tôi đã từng làm, khi mà nhờ đó tôi mới có thu nhập để nuôi sống bản thân, tích lũy kinh nghiệm và xây dựng kỹ năng chuyên môn của mình. Nếu đang đọc bài viết này, hẳn là bạn đã có sự quan tâm tới H1B hoặc đang trong quá trình làm H1B, dù lý do là gì thì cũng xin chúc bạn mọi điều may mắn.