Thân chào các bạn, lâu lắm rồi tôi mới có một bài viết dành riêng cho lối sống tối giản (minimalism). Kể từ ngày biết tới minimalism, tôi đã thay đổi rất nhiều từ suy nghĩ, lối sống, cho đến tính cách, theo một chiều hướng mà tôi nghĩ là tích cực hơn. Tuy vậy, đôi khi tôi vẫn có cảm giác mình như đang hơi chệch hướng và có chiều hướng quay trở lại với lối sống tích trữ trước kia.
Nếu như bạn cũng đã và đang trải nghiệm cảm giác đó thì không sao cả, đó là điều hết sức bình thường có thể xảy đến với bất kỳ ai. Điều quan trọng là chúng ta có thể tự nhận thức được điều đó, biết được cốt lõi của vấn đề để từ đó có biện pháp điều chỉnh sao cho phù hợp.
Tôi có cảm giác cực kỳ khó chịu khi tìm một thứ gì đó mà phải lục lọi giữa một mớ đồ hỗn độn được nhồi nhét trong một không gian chật hẹp. Câu hỏi đặt ra là tại sao tôi lại để đồ đạc sinh sôi như vậy? Một trong những câu trả lời có lẽ là ở việc mua sắm online quá dễ dàng như hiện nay.
Hơn ai hết, tôi hiểu rất rõ câu nói: "Hãy mua thứ mình cần, đừng mua thứ mình muốn". Nhưng như các bạn thấy đó, với cách thức mà các sàn thương mại điện tử đang hoạt động, nhiều lúc phí ship của một món đồ còn cao hơn giá trị của chính món đồ đó nếu bạn chỉ mua với số lượng 1 cái, trong khi chỉ cần mua thêm một món nữa, bạn sẽ được free ship, tạo cảm giác được lời hơn. Vậy nên, đúng là món đồ đó tôi thật sự cần, nhưng tôi lại mua tới 2-3 món giống hệt nhau để được free ship. Những món đồ dư ra như vậy thường tôi sẽ quăng vào một chiếc hộp để tìm cách bán hoặc cho đi, và lâu dần chúng sẽ chất đống.
Giải pháp căn cơ nhất phải dừng ngay việc mua sắm, tích trữ thêm đồ đạc, cho dù chỉ là những món đồ lặt vặt. Tôi sẽ dùng hết những gì tôi đã có sẵn như nhu yếu phẩm, văn phòng phẩm, những chiếc áo được tặng nằm trong tủ, tôi sẽ mặc chúng đến khi sờn rách thì thôi... Tiếp đó là tìm cách declutter, vứt bỏ những món đồ đã hư hỏng, không còn sử dụng được nữa, đó có thể là sách vở cũ, quần áo cũ, thiết bị cũ. Nếu cần một thứ gì đó bất ngờ nhưng ít sử dụng, tôi sẽ tính đến việc mượn hoặc tìm giải pháp thay thế. Cứ thế, đồ đạc sẽ ngưng sinh sôi nảy nở trong không gian sống của tôi, sẽ không còn có thể khiến tôi khó chịu được nữa.
Về mặt cảm hứng, tôi cũng cần tìm tới những góc nhìn và sáng kiến mới để vận dụng lối sống được tốt hơn. Hiện nay, tôi đang đọc lại quyển sách Goodbye, Things của Fumio Sasaki. Tôi đã từng đọc quyển sách này trước đây nhưng là bản tiếng Việt. Giờ đây đọc bản tiếng Anh khiến tôi cảm thấy mới mẻ hơn nhiều, câu từ cũng được hiểu đúng hơn so với bản dịch. Trong cuốn sách này, tác giả có chia sẻ khá bài bản những cách để không bị vướng vào quá nhiều đồ đạc. Sau đó, tôi dự định sẽ đọc tiếp quyển Essentialism: The Disciplined Pursuit of Less của tác giả Greg McKeown do ChatGPT giới thiệu.
Dĩ nhiên, đọc sách cũng cần phải có sự phân tích và chọn lọc. Ví dụ, trong quyển Goodbye, Things có một lưu ý là "There's no need to stock up" (đừng nên tích trữ) những vật dụng thiết yếu (supplies) kiểu như dầu gội đầu, nước rửa chén, nước giặt, kem đánh răng v.v... Riêng ở điểm này thì tôi lại có điều chỉnh đôi chút vì nhu yếu phẩm là những thứ mà chúng ta sẽ dùng liên tục cả đời, hơn nữa, khi mua mặt hàng này với số lượng lớn thường sẽ rẻ hơn khá nhiều mua lẻ, và với mỗi lần mua, tôi có thể xài được ít nhất là nửa năm tới một năm trước đợt mua tiếp theo. Dĩ nhiên, bạn đừng tích trữ tới mức 2-3 năm vì khi đó thì chúng cũng sẽ hết hạn sử dụng gây lãng phí. Thời gian hợp lý tôi cho là vào khoảng từ 1 năm đổ lại. Trên thực tế, dầu gội đầu gần 1 năm nay tôi không cần phải mua mới, và số lượng còn lại vẫn đủ dùng ít nhất là tới giữa năm nay dù trước đó tôi chỉ đặt mua có 2 chai lớn (loại 900ml). và một khi đã mua rồi thì hãy nhớ nguyên tắc ở trên là sử dụng hết những gì đã có trước khi mua mới.
Nếu đã đọc Goodbye, Things, bạn sẽ thấy tác giả có giới thiệu series phim dựa trên truyện tranh về lối sống tối giản có tên I Have Nothing In My House - Watashi no Uchi ni wa Nanimo Nai (2016). Hiện bộ phim này đã có phụ đề tiếng Anh và được trình chiếu đầy đủ 6 episodes trên trang DailyMotion, xem cũng khá vui vẻ: https://www.dailymotion.com/video/x8finct
Trước đây, tôi thường hay xem các kênh YouTube về vanlife (cuộc sống trong xe hơi) nhưng lâu dần không còn hứng thú nữa do nội dung có phần lặp đi lặp lại, thậm chí có hơi hướng được đầu tư chuyên nghiệp bởi cả một đội ngũ để tạo content thu hút. Tuy nhiên gần đây, tôi tình cờ tìm được một kênh YouTube mà theo cảm nhận cá nhân của tôi là các video được xây dựng khá tự nhiên, đem lại góc nhìn mới lạ về vanlife nói riêng cũng như minimalism nói chung. Đó là kênh Stories From a Van của một anh bạn người gốc Á Đông có tên Evan.
Video hướng dẫn chi tiết của Evan về cách để "sinh tồn" trong thế giới hiện đại chỉ với một chiếc xe van nhỏ
Các kênh vanlife thường có điểm chung giống nhau là những người trẻ chán ghét cuộc sống bó buộc, 9 to 5, nên coi vanlife như một cứu cánh để tự giải thoát bản thân, rong ruổi/rong chơi trên mọi nẻo đường và thường có các mối quan hệ không gắn bó. Họ thường làm các công việc tự do hoặc không ổn định, cốt chỉ để được đi đây đi đó. Lối sống như vậy được gọi là nomadic lifestyle (du mục).
Video Evan giới thiệu về chiếc xe hơi của mình
Evan lại là một trường hợp đặc biệt, anh bạn là một kỹ sư trẻ sống ở Mỹ, có công ăn việc làm ổn định. Tuy cũng sống trong xe hơi nhưng Evan lại có xu hướng sống cố định ở một thành phố và tạo dựng các mối quan hệ bạn bè bền vững trong cộng đồng. Anh bạn yêu thích lối sống tối giản và muốn tiết kiệm chi phí thuê nhà đắt đỏ ở Cali nên đã độ chế lại chiếc xe hơi nhỏ của mình, khiến nó có đầy đủ những tiện nghi cơ bản nhất như chỗ nghỉ ngơi và vệ sinh cá nhân.
Chiếc xe camper của Evan |
Vì là một người đi làm công việc ổn định nên những chia sẻ của Evan sẽ khá hữu ích đối với nhóm đối tượng này. Ví dụ trong các video ở trên, Evan có chia sẻ cách làm sao để có địa chỉ nhận thư ở Mỹ khi mà bạn không có nhà ở cố định, một trong những điều kiện cần để đi xin việc hoặc khai thuế; những gợi ý để tìm chỗ đậu xe an toàn kín đạo; hoặc cách để giữ tinh thần được thoải mái và vui vẻ; và cách mà chúng ta ứng xử sẽ tạo ra những tác động khác nhau lên cuộc sống của chúng ta. Những video của Evan khiến tôi có cảm giác khá thư giãn, đồng thời giúp tôi có thêm một góc nhìn mới thú vị về vanlife.
Thỉnh thoảng Evan còn làm việc trong xe hơi |
Phong cách sống của Evan khiến tôi nhớ lại quãng thời gian làm việc ở Thái Lan khi tôi cũng tìm cách hạn chế tối đa chi phí thuê nhà và đi lại để có thể tiết kiệm được càng nhiều tiền càng tốt. Không phải do tôi hoặc Evan quá khó khăn, chỉ là chúng tôi cảm thấy việc chi quá nhiều tiền chỉ cho một chỗ ngả lưng là một sự phí phạm không cần thiết khi mà chúng tôi có thể sử dụng tiền đó vào những việc (mà chúng tôi cho là) có ích hơn.
Sống tối giản không có nghĩa là quăng hết đồ đạc đi và sống như một thầy tu khổ hạnh. Đó chỉ đơn giản là loại bỏ đi những gì dư thừa trong cuộc sống (cả về vật chất lẫn tinh thần) để bạn có thể dành thời gian, tâm trí cho những thứ thật sự quan trọng trong cuộc sống.
Lối sống tối giản là một quá trình lâu dài và không hề dễ dàng. Nó cũng là một loại kỹ năng cần phải được luyện tập và rèn giũa. Vậy nên đôi lúc, hãy tự tìm cho mình những nguồn cảm hứng ở đâu đó để giúp quá trình này được dễ dàng hơn. Tối giản không phải là hạnh phúc nhưng nó là một trong những con đường dẫn tới hạnh phúc, nếu bạn hiểu đúng và vận dụng đúng cách. Chúc các bạn và tôi thành công với sự lựa chọn của mình!