Tối giản công nghệ

Sunday, July 09, 2017
Edit this post


Là một người đam mê công nghệ, tôi đã từng bị ám ảnh bởi những món đồ điện tử xung quanh mình, thậm chí tôi không thể đi đâu mà thiếu chúng. Những món đồ có thể liệt kê bao gồm: smartphone (2 cái), máy tính bảng (2 cái), laptop, máy ảnh (DSLR và compact) và rất nhiều những món đồ phụ kiện lặt vặt khác nhiều không thể kể xiết.

Trước mỗi chuyến đi chơi, tôi luôn phải tốn rất nhiều thời gian để lựa chọn xem nên mang theo những món đồ điện tử nào (chưa kể đồ cá nhân), hầu như tôi luôn mang theo tất cả vì nghĩ mình sẽ cần đến chúng. Kiểu như: máy ảnh để chụp hình, laptop để chỉnh sửa ảnh, máy tính bảng và điện thoại sơ cua để sử dụng phòng khi hết pin, pin sạc dự phòng...

Nhưng thực tế thì sao? Vác cả một ba lô đồ điện tử khi đi chơi là một cực hình vì chúng nặng không tưởng. Cảm giác quai ba lô hằn trên vai và nặng dần theo từng bước chân quả thật là không thể nào quên được. Đó là chưa kể tới khả năng bị trộm cướp để ý.

Hãy xác định cái gì là phù hợp với bản thân mình

Đối với sở thích chụp hình, trừ phi bạn là một nhiếp ảnh gia, thợ chụp ảnh chuyên nghiệp hoặc người thật sự có lòng đam mê với nhiếp ảnh thì hãy sắm cho mình một chiếc máy DSLR. Đơn giản ở thời điểm này, hầu hết các máy DSLR vẫn sử dụng chuẩn sạc riêng (củ sạc và pin riêng), chưa kể hầm bà lằng các loại ống kính sẽ chiếm rất nhiều không gian ít ỏi trong chiếc ba lô của bạn. Các loại máy DSLR được tích hợp công nghệ như Wifi, Wifi Direct, Bluetooth... dù đã có nhưng vẫn còn khá mắc và chưa thật sự tiện dụng.

Các loại máy ảnh compact và mirrorless có thể là một sự thay thế tốt, nhưng tiện dụng nhất vẫn là chiếc smartphone của bạn vì ngày nay công nghệ cảm biến máy ảnh cho điện thoại ngày càng phát triển. Tất nhiên vẫn còn rất lâu để có thể bắt kịp DSLR nhưng so với máy ảnh compact thì smartphone ngày nay có thể nói là đã ngang ngửa, thậm chí còn tốt hơn ở một số thiết bị cụ thể. Nếu bạn có kỹ năng và mắt thẩm mỹ tốt thì vẫn có thể chụp được những bức ảnh đẹp và cảm xúc.

Trên hết đó là tính tiện dụng, bạn hoàn toàn có thể chụp rất nhanh một bức ảnh, sau đó chỉnh màu, hiệu ứng trực tiếp trên điện thoại sau đó upload thẳng lên các trang mạng xã hội hoặc cloud. Thậm chí trình chụp ảnh trên điện thoại ngày nay cũng hỗ trợ tùy chỉnh các thông số speed, iso, aperture như trên máy DSLR cho rất nhiều trải nghiệm thú vị. Một chiếc điện thoại nhỏ gọn và bộ máy ảnh DSLR cồng kềnh, bạn sẽ chọn cái nào?

▸▸▸Ngoài lề: Là một người đam mê công nghệ, rất tự nhiên, bạn sẽ trở thành "tech guy" hay "camera guy" khi đi chung với một nhóm bạn. Tức là khi có bất cứ vấn đề nào liên quan tới công nghệ, hoặc như khi cần người chụp ảnh giùm, bạn nghiễm nhiên sẽ là người được mọi người trong nhóm liên hệ tới. Điều này có thể vui ban đầu, nhưng lâu dần sẽ chẳng vui vẻ gì đâu. Thứ nhất, mọi người có xu hướng làm phiền bạn miễn phí mà không quan tâm bạn nghĩ gì hay đang làm gì. Thứ hai, việc bị quá nhiều người làm phiền vì những việc lặt vặt sẽ phá hỏng hoàn toàn cảm xúc tận hưởng thư giãn của bạn. Thứ ba, bạn sẽ sớm trải nghiệm cảm giác khó chịu khi bạn làm mọi thứ cho người khác rất tốt và có tâm, như chụp những tấm hình đẹp (cân bằng sáng, bố cục hoàn hảo) chẳng hạn, nhưng khi bạn nhờ ngược lại thì không ai giúp bạn vì "không biết làm" hoặc chỉ giúp cho có hoặc tệ hơn là bạn chỉ nhận lại được những tấm ảnh tệ hại, mất đầu, mất chân, quá sáng hoặc quá tối, v.v... Lời khuyên: Nếu bạn giỏi thứ gì đó, đừng bao giờ làm nó miễn phí, hoặc ít nhất, nhận lại được thứ gì đó tương xứng với công sức mình bỏ ra.

Như đã nói ở trên, vì bạn có thể chỉnh sửa ảnh nhẹ nhàng ngay trên điện thoại nên chiếc laptop cũng sẽ không còn cần thiết nữa, bạn hoàn toàn có thể để nó ở nhà. Có thể các bạn không tin, mặc dù làm việc trong ngành phần mềm nhưng tôi hầu như không dùng laptop, tôi chỉ xài duy nhất một chiếc laptop rẻ tiền của HP (giá chưa tới 5.000.000đ), chạy Windows, ổ cứng Flash chỉ có 32GB, bù lại nó khá gọn nhẹ và đáp ứng tốt sở thích viết blog mọi lúc mọi nơi của tôi. Suýt quên, tôi cũng không có sở thích chơi game.

Vì không chơi game nên tôi cũng không sử dụng chuột. Sử dụng trackpad đồng thời thành thạo các gesture khiến tôi không còn nhớ tới con chuột truyền thống nữa. Tất nhiên, quyết định không sử dụng chuột cũng lấy đi của tôi khá nhiều thời gian để quyết định cho tới khi tôi rao bán đi con chuột duy nhất của mình, và rất may là tôi đã không phải hối hận vì quyết định đó.

Vậy khi cần làm các công việc thật sự chuyên biệt cho ngành phần mềm thì sao? Tôi sẽ sử dụng máy công ty hoặc remote từ laptop tới máy công ty để xử lý. Điều quan trọng là các bạn cần rèn luyện kỹ năng chuyên môn tốt cũng như sự tỉ mỉ cẩn thận để ít xảy ra sai sót trong công việc. Nhờ vậy, tôi đã tồn tại qua nhiều năm trời không cần laptop vì đối với tôi, một khi đã về nhà thì không còn muốn dính dáng gì tới công việc nữa.


Đừng để bị sa đà vào các công nghệ mới

Công nghệ phát triển từng ngày, chỉ riêng đối với thiết bị di động, các hãng sản xuất khi tung ra sản phẩm mới cũng đều cố gắng trang bị các tính năng mới, chuẩn kết nối mới độc đáo cho thiết bị của mình nhằm thu hút khách hàng của mình như Samsung thì có công nghệ cuộn màn hình bằng ánh mắt, HTC thì có công nghệ bóp viền để điều khiển thiết bị v.v...

Tuy vậy, đừng vội vàng, các công nghệ mới có thể rất thú vị lúc ban đầu nhưng thực tế có thể bạn sẽ chẳng bao giờ sử dụng đến chúng. Hơn nữa, các công nghệ mới thường còn nhiều lỗi và nếu không được sự đón nhận rộng rãi từ cộng đồng người dùng thì chúng sẽ không được hỗ trợ và phát triển lâu dài.

Do vậy, hãy bình tĩnh quan sát phản hồi từ những người đã sử dụng trước. Một công nghệ tiềm năng cũng mất vài năm để có thể được thương mại hóa do đó nếu bạn không thật sự có nhu cầu sử dụng lâu dài, hãy kiên nhẫn chờ đợi, đừng hấp tấp để rồi sau này phải hối hận.

Ở thời điểm này, chuẩn sạc USB-C thật sự rất có tiềm năng và hứa hẹn sẽ được chuẩn hóa để thay thế cho Micro-USB vì rất nhiều những lợi ích của nó. Tuy nhiên, các thiết bị hỗ trợ USB-C vẫn chưa nhiều và giá của các thiết bị như vậy còn khá cao. Dù vậy, tôi khá chắc rằng chỉ 1-2 năm nữa, USB-C sẽ là chuẩn chung nhất, cũng tương tự như kết nối 3G hoặc chuẩn Micro-SIM ngày nay vậy. Tới ngày đó thì sạc laptop cũng có thể sạc được cho điện thoại và máy ảnh, người dùng sẽ không còn phải nhức đầu vì các loại sạc và chuẩn sạc khác nhau nữa.

Do đó đừng nên vội vàng đổi/nâng cấp thiết bị của mình lúc này trừ phi bạn không thể kiềm chế được mong muốn trải nghiệm những công nghệ mới nhất.

Bán bớt những thiết bị đã cũ/lỗi thời

Tôi đã từng có một bộ sưu tập các thiết bị điện tử trước đây của mình, có cái xài được có cái không nhưng vấn đề là bộ sưu tập đó ngày càng phình ra theo thời gian khiến tôi luôn phải mất công lưu trữ bảo quản chúng. Nếu bạn cũng vậy, đừng ngần ngại rao bán chúng. Đừng lo, đồ điện tử rất dễ bán, ngay cả khi đã hư hỏng vẫn sẽ có người thu mua để lấy linh kiện. Và tôi đảm bảo bạn sẽ chẳng còn nhớ tới chúng nữa một khi đã bán đi.

Các bạn có thể rao bán đồ đạc cũ của mình (không riêng gì đồ điện tử) trên các trang như ChoTot hoặc Facebook với một mức giá hợp lý. Sớm thôi, sẽ có người liên hệ để mua lại những món đồ của bạn.


Lựa chọn các thiết bị cùng chuẩn phần mềm, phần cứng, nhiều tính năng tích hợp

Điều này rất quan trọng, nếu bạn sử dụng iPhone thì nên sử dụng luôn iPad và Macbook để có thể sử dụng qua lại sạc của nhau, đồng thời được đồng bộ tốt nhất về phần mềm lẫn chuẩn phần cứng giữa các thiết bị.

Tương tự, nếu bạn thích Android thì cũng chỉ nên sử dụng Android mà thôi, nếu là các thiết bị của cùng một nhà sản xuất thì càng tốt. Mỗi thiết bị cũng nên hỗ trợ đa tính năng ví dụ như tôi đang sử dụng một chiếc điện thoại có băng tần có thể sử dụng được ở nhiều nước, kết nối 4G LTE, hỗ trợ USB OTG...

Tất nhiên, bạn cũng cần phải bỏ chút thời gian để học cách sử dụng thành thạo tất cả các tính năng của thiết bị mình đang sở hữu. Tin tôi đi, sẽ rất hữu ích đấy.

Vậy thiết bị công nghệ của tôi còn lại gì?

Hiện nay, qua nhiều lần rao bán, tôi chỉ sở hữu duy nhất:
▸1 chiếc smartphone Android có màn hình lớn (5.5'') cùng cấu hình tốt để thay thế cho máy ảnh, máy tính bảng... thỉnh thoảng có thể chơi game.
▸1 laptop HP 13'' nhưng rất ít khi sử dụng.
▸ 1 máy ảnh mini (hỗ trợ wifi direct) để chụp ảnh nhanh ở mọi nơi mà không bị để ý.
▸1 cục sạc dự phòng 20.000mAH.
▸1 ổ cứng di động 1TB của Transcend (chủ yếu để ở nhà kết nối với TV xem phim).
▸1 đồng hồ Casio. Tôi khá thích smartwatch nhưng chúng vẫn còn nhiều hạn chế, cần thêm thời gian để phát triển, đặc biệt là về pin.

Để xem, nếu so ra cách đây chừng 2 năm khi tôi chưa biết tới minimalism thì tôi có những gì nhé:
▸Ít nhất 2 smartphone.
▸Ít nhất 2 tablet.
▸1 laptop 15''.
▸2 máy ảnh DSLR Canon.
▸1 camera hành trình.
▸1 máy ảnh mini.
▸3 máy ảnh compact của Canon, Sony (được cho, tặng v.v...).
▸Sạc dự phòng ít nhất 3 cục
▸2 ổ cứng di động.
... và các phụ kiện linh tinh khác.

Wow, không thể tin được là chỉ riêng mình tôi đã sở hữu rất nhiều thiết bị như vậy. Bạn bè tôi có người thậm chí còn sở hữu nhiều hơn. Tuy vậy, điều quý giá nhất mà tôi có được đó là sự trải nghiệm và kiến thức đối với từng thiết bị, đó là những cảm xúc mà chỉ những người đam mê công nghệ mới có thể hiểu được.

Tôi không khuyến khích các bạn vứt bỏ/rao bán tất cả đồ công nghệ của mình vì như tôi đã từng nói, minimalism cũng chỉ là một phong cách sống mà thôi. Nếu bạn là người theo chủ nghĩa vật chất và nó làm bạn hạnh phúc thì không sao cả, bạn cứ sống theo phong cách materialism. Hãy lựa chọn minimalism nếu nó có thể thật sự mang lại cho bạn sự vui vẻ và thoải mái.

.
Xin vui lòng chờ đợi
Dữ liệu bài viết đang được tải về

BÌNH LUẬN

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của Cuộc Sống Tối Giản. Đây là một blog cá nhân, được lập ra nhằm mục đích lưu trữ và chia sẻ mọi thứ hay ho theo chủ quan của chủ sở hữu. Có lẽ vì vậy mà bạn sẽ thấy blog này hơi (rất) tạp nham. Mọi chủ đề đều có thể được tìm thấy ở đây, từ tâm sự cá nhân, kinh nghiệm sống, phim ảnh, âm nhạc, lập trình... Phần lớn các bài đăng trong blog này đều được tự viết, trừ các bài có tag "Sponsored" là được tài trợ, quảng cáo, hoặc sưu tầm. Để ủng hộ blog, bạn có thể share những bài viết hay tới bạn bè, người thân, hoặc có thể follow Kênh YouTube của chúng tôi. Nếu cần liên hệ giải đáp thắc mắc hoặc đặt quảng cáo, vui lòng gửi mail theo địa chỉ songtoigianvn@gmail.com. Một lần nữa xin được cảm ơn rất nhiều!!!
© Copyright by CUỘC SỐNG TỐI GIẢN
Loading...